Các lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc đang bận rộn tới nỗi họ không có thời gian để ngủ, để yêu đương hay giải trí. Áp lực từ nhiều phía đang đẩy một số người tới kiệt sức, thậm chí là đột quỵ khi tuổi đời chưa còn chưa chạm mốc 30.
Nơi khơi dậy ước mơ nhưng chôn vùi cuộc sống
Khu vực quận Zhongguancun và vùng lân cận được ví như “thung lũng Silicon” của Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính của những “gã khổng lồ” công nghệ như Baidu, Meituan hay ByteDance.
Trong ba thập kỷ qua, Zhongguancun đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc như hãng sản xuất máy tính Lenovo, cổng thông tin Sina, ứng dụng gọi xe Didi Chuxing…
Tại đây, có khoảng 80 công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ được thành lập mỗi ngày. Nhiều người hy vọng sẽ trở thành những doanh nhân thành đạt kiểu Jack Ma (người sáng lập tập đoàn hàng đầu Alibaba) tiếp theo. Nhưng, cũng vì tham vọng đó mà họ đang đánh đổi toàn bộ cuộc sống riêng tư, có khi là cả tính mạng.
Một trong số đó là Yu Haoran, anh chàng 26 tuổi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính. Yu hiện làm chủ một start-up có tên Jisuanke, dạy trẻ em lập trình từ năm 2014 tới nay.
Yu Haoran làm việc thâu đêm, kể cả ngày nghỉ để đưa Jisuanke từ một công ty start-up chỉ có 10 lập trình viên thành một doanh nghiệp trị giá gần 30 triệu USD. Nhưng cái giá mà anh phải trả không hề nhỏ. Yu bị mất ngủ triền miên và đôi khi chỉ có thể tranh thủ chợp mắt được 2 tiếng ngắn ngủi mỗi ngày.
“Tôi không nghĩ gì về cuộc sống. Vì tôi đang xây dựng nó (Jisuanke) và cho đến khi chưa hoàn thành thì tôi không thể nghĩ được về cái gì khác”, Yu bộc bạch với phóng viên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Một ví dụ khác, Yang, 33 tuổi, làm quản lý sản phẩm trong một công ty trực tuyến ở Xierqi (một trung tâm công nghệ mới được thiết lập do Zhongguancun ngày càng đông đúc và đắt đỏ). Mỗi ngày, anh này thức dậy lúc 6h sáng để đi 2 tuyến tàu điện ngầm và xe buýt. Mất tổng cộng 2,5 giờ để đến nơi làm việc.
Vợ của Yang, 29 tuổi, làm quản lý sản phẩm tại Wangjing. Khi hai vợ chồng về nhà sau một ngày làm việc thì đã gần nửa đêm. Họ đã cố gắng để sinh con trong nhiều tháng nhưng không còn sức cho yêu đương.
Văn hóa làm việc cật lực xuất phát từ việc các start-up nhận được nhiều khoản tiền đầu tư mạo hiểm lớn và mong muốn sớm có kết quả. Thậm chí, có những trường hợp chết trẻ đã xảy ra và đều được cho là liên quan đến làm việc kiệt sức. Năm 2015, Li Junming, một lập trình viên của Tencent, đã chết vì đột quỵ tại nơi làm việc.
Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Những khó khăn kể trên đã một phần phản ánh cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các công ty công nghệ và áp lực đè nặng lên nhân viên của họ.
Ngành công nghiệp này cũng đã qua thời “hái ra tiền” khi tháng 1 vừa qua, vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc chỉ đạt 4,3 tỷ USD, giảm gần 70% so năm trước, theo dữ liệu của Zero2IPO.
Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ lớn ngày càng đưa ra các chính sách “vắt kiệt” sức lực nhân viên hơn. Họ đang xóa mờ ranh giới giữa đời sống và công việc khi những dịch vụ như bữa ăn công sở, phòng để ngủ, phòng gym, tiệm cắt tóc, khu vui chơi giải trí có ngay trong khuôn viên công sở.
Thậm chí, ByteDance, công ty điều hành ứng dụng TikTok đã đưa ra chính sách “Tuần lớn/ tuần nhỏ”, trong đó, buộc gần 6.000 nhân viên cứ cách tuần lại phải làm việc cả chủ nhật.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, những lao động ngành công nghệ Trung Quốc, những người hay tự gọi nhau là “vượn công nghệ” đang cố gắng tìm cách để thích nghi.
Yang đang cân nhắc tới việc tự kinh doanh tại nhà và dành thời gian chăm sóc vợ và sinh con. Trong khi những người chọn ở lại ngành công nghệ có những cuộc chiến mới để tồn tại. Anh Xu Kaiqiang, làm việc tại start-up Vincross ở Wangjing, đang học cách trở thành một lãnh đạo nhóm tốt hơn. Sau khi ăn kiêng và tập thể thao, Xu đã giảm được 20kg trong vòng 6 tháng, để có một vẻ bề ngoài đẹp hơn.
Về phần Yu, anh cũng đang cố gắng thay đổi lối sống của mình để cố gắng giữ tinh thần tốt, bám trụ lại thung lũng đầy khắc nghiệt này. Yu đã bắt đầu chạy bộ trên máy hàng ngày, làm bữa sáng tại nhà và mua cho mình chiếc áo mới, món đồ đầu tiên trong suốt nhiều năm qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận