Cuộc sống không có... hàng xóm! |
Tôi sinh ra ở quê, đến năm 20 tuổi thì thoát ly. Năm 30 tuổi thành dân phố. Sống ở phố có nghĩa là nhà nào biết nhà ấy. Đi chỗ khác mà gặp người cùng khu tập thể, cùng phố... mới gật đầu chào nhau, chứ ngày thường không quen. Chào nhau ở nơi khác, chứ khi về đến khu, đến phố... lại như không quen. Tự dưng mình vồn vã không khéo người ta lại cho là mình có mưu đồ gì.
Sống ở đâu mãi rồi cũng quen. Thỉnh thoảng về quê, không biết từ bao giờ tôi rất ngại đi thăm nhà khác. Cứ như là nếu mình làm thế sẽ gây phiền cho họ. Thực ra là chính tôi cảm thấy phiền. Những gì một thời giống như quà tặng, thì giờ đây thành nhiêu khê. Đã nghĩ đến thế tức là tốt nhất nên ở nhà.
Tuy thế những lần tôi về, buổi tối bà con đều kéo đến đầy cả nhà, ngồi tràn ra ngoài sân, người cho đấu lạc, mẹt khoai... Lần nào cũng thấy khó nghĩ quá. Không nhận dễ bị xem là coi khinh người làng. Mang cái tiếng ấy thì coi như mất lối đi về. Mà nhận thì lại là mang nợ. Thôi thì đành nhận làm phép chứ quý hóa gì? Đã thế lại cứ có quá nhiều người thích lo thay cho người khác. Chẳng hạn tôi cứ hay bị hỏi: “Mẹ con nó có khỏe không? Cẩn thận bọn trẻ đấy”. “Thằng cu, con hĩm chắc lớn lắm rồi. Giống mẹ hay giống bố”. Rồi: “Anh làm gì mà gày và xanh lắm”. Cán bộ Nhà nước mà không có xe đưa đón à, hay là còn giấu...”. Đến phát bực cả mình.
Cách đây vài năm, để cho tiện, đồng thời cũng đỡ phải về làng, chúng tôi đưa bố mẹ ra phố nốt. Thương con, các cụ không nỡ từ chối. Vả lại được gần các cháu, ông bà cũng bớt cô quạnh. Nhưng mà lúc nào bố mẹ tôi cũng như người mất của? Mải làm ăn, thỉnh thoảng ngồi với các cụ, tôi chỉ dặn: “Ở phố người ta không thích quan tâm đến nhau như ở nhà quê đâu. Nhà nào họ cũng có cổng giả, khóa suốt ngày. Lại còn có camera nữa. Các cụ vào nhà ai phải hỏi trước con một câu nhé kẻo rồi mệt lắm đấy”.
Bố mẹ tôi chỉ còn biết nghe theo mặc dù các cụ rất lấy làm lạ. Cứ như các cụ nghĩ thì thăm thú nhau là việc tốt, sao phải phức tạp thế. Mặc dù được ăn uống sướng hơn, tiện nghi đầy đủ hơn (các cụ có thể xem tivi, video cả ngày, đi đâu có thể vẫy taxi, thỉnh thoảng vào siêu thị nhìn cho hoa cả mắt mới thôi) vậy mà lạ thay, bố mẹ tôi lúc nào cũng buồn phiền, như là phải chịu đựng một sự thiếu thốn nào đó.
Một hôm, như đã bàn nhau kỹ lưỡng, các cụ ngỏ ý muốn chúng tôi cho các cụ về thăm quê. Mặc dù không có gì khó khăn về thời gian, tôi vẫn nói hắt đi:
- Chúng con bận lắm, bố mẹ thông cảm. Vả lại, nếu chỉ về chơi thì phải xem chơi với ai hẵng về.
- Chúng tôi muốn về thăm quê, cần gì phải hẹn hò cho thêm khách sáo. Nhất định phải cho chúng tôi về, một chốc một lát thôi cũng được.
Tôi lái sang hướng khác:
- Nhà cửa mình bán rồi, còn ai thân thích đâu mà về, phiền người khác làm gì?
- Chúng tôi sống với nhau cả đời, có như ở phố đâu mà phiền. Nhất định chúng tôi phải về.
Thấy mặt hai cụ đầy vẻ khẩn khoản, tôi vừa ngại, vừa bực, hỏi:
- Hay ở đây chúng con không chu đáo với bố mẹ? Hay bố mẹ thiếu thốn gì?
- Không, các con chu đáo lắm, bố mẹ không nghĩ lại được đầy đủ như thế. Chả thiếu thứ gì, toàn những thứ bố mẹ mơ cũng không thấy. Nhưng bố mẹ thèm... hàng xóm quá!
Tôi sững người. Thì ra mới ở phố 10 năm tôi đã quên cả từ hàng xóm. Hóa ra ở sát nách nhau vẫn không phải hàng xóm, mà chỉ là người ở bên cạnh. Chỉ toàn người cùng dãy, cùng khu, cùng phố... mà vẫn thiếu hàng xóm. Ngẫm kĩ thì hàng xóm là siêu quan hệ, là tình làng nghĩa nước, là sự đùm bọc, chia sẻ, vị tha, tối lửa tắt đèn có nhau…
Tôi ngồi thừ ra, chẳng dám nghĩ tiếp. Có thể cuộc sống đang trở nên lạnh lùng, bất an, đáng sợ... bởi chỉ có người bên cạnh mà không có hàng xóm?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận