Đời sống

Cuộc sống ở xóm trọ nghèo chân cầu Long Biên giữa dịch Covid-19

19/04/2020, 09:46

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến cuộc sống của những người lao động nghèo nơi xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) càng chật vật...

img
Trên con đường nhỏ dẫn vào xóm trọ nằm dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội), dễ dàng bắt gặp cảnh hàng dài những chiếc xe kéo tay chuyên chở hàng thuê trong chợ Long Biên được khoá chặt và gác lên bờ tường.
img
Xóm trọ lụp xụp này là nơi tránh mưa, tránh nắng của nhiều người lao động nghèo, đủ lứa tuổi đến từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương... Họ làm các nghề như bán hàng rong, thu gom phế liệu, vận chuyển hàng hoá trong chợ Long Biên hay ai thuê gì làm nấy. Đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
img
Khi PV tới đây cũng là lúc gặp bà Trần Thị Nhuận (quê Thanh Liêm, Hà Nam) vừa trở về sau chuyến rong ruổi bán rau khắp các ngõ ngách của Thủ đô. Bà chia sẻ, từ ngày dịch, việc buôn bán không còn được như trước, hôm nhiều lắm cũng chỉ được 50 nghìn đồng cả vốn lẫn lãi.
img
Căn phòng của bà chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông với giá thuê 1 triệu đồng/tháng - cái giá khá cao so với thu nhập của người phụ nữ này. Phía bên trong cũng chỉ có chiếc nồi cơm điện và quạt cây là "đáng giá".​
img
Gạo, mỳ tôm, lạc và đôi khi có quả trứng... là những thực phẩm được bà chuẩn bị cho bữa ăn thời gian này.
img
"Chỉ mong cuộc sống sớm trở lại bình thường, ít ra mỗi ngày còn dành dụm được vài đồng. Còn nếu cứ kéo dài như vậy thì những người lao động nghèo như chúng tôi vẫn chưa biết phải làm gì để mưu sinh", bà Nhuận bày tỏ.
img
Cách đó không xa, anh Bùi Văn Khuê (quê Hải Dương) đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Thực đơn hôm nay của phòng bao gồm canh rau cải, lạc rang và cơm trắng.
img
Anh tâm sự, lên Hà Nội được 5 năm nay, chưa bao giờ gặp phải tình cảnh như hiện tại. Từ khi có dịch, cuộc sống của anh càng trở nên chật vật vì công việc ít, thu nhập cũng giảm đi đáng kể. "Nếu như trước đây, kéo xe hàng thuê trong chợ Long Biên mỗi ngày có thể kiếm 200-300 nghìn đồng nhưng khi chợ vắng, chủ hàng đóng cửa nên chỉ còn được trên dưới 100 nghìn đồng/ngày. Phòng có 5 người thì chỉ còn 3 người vẫn cố bám trụ tại xóm trọ nghèo này", anh Khuê nói.
img
Dù đã 85 tuổi, một bên mắt bị mờ, tai đã nặng nhưng bà Nguyễn Thị Thìn (quê ở huyện Từ Liêm cũ, Hà Nội) hàng ngày vẫn cần mẫn đi mọi nơi nhặt ve chai để kiếm sống.
img
Bà Thìn thường thức dậy từ 4 giờ sáng để bắt đầu với công việc của mình. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, những thứ bà nhặt về chỉ biết chất đầy ở góc nhà vì không có người mua.
img
Trong đó, số tiền tích cóp được, bà phải dành phần lớn để mua thuốc đau mắt. Nhiều người thương tình, thỉnh thoảng lại đến cho bà chút tiền mua gạo, mắm muối để rau cháo qua ngày.
img
Ở một mình nên với chiếc bắp cải này, bà Thìn chia làm 3 bữa.
img
"Ai chẳng mong muốn nhanh chóng hết dịch để mọi người làm ăn dễ dàng hơn, ra ngoài đường không còn phải sợ lây lan bệnh nữa", bà Thìn tâm sự.
img
Còn với bà Lưu Thị Bình, 81 tuổi (quê Bắc Ninh), dịch Covid-19 cũng khiến việc bán nước của bà bị ngưng trệ.
img
Mặc dù vậy, trong những ngày qua, bà Bình cùng nhiều cụ già khác trong xóm trọ cũng cảm thấy vơi đi phần nào những khó khăn khi nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.
img
Chiếc xe đạp thồ là một trong những công cụ mưu sinh phổ biến tại đây.
img
Thêm một ngày nữa sắp trôi qua, nhưng nỗi lo "cơm áo gạo tiền" vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí những người lao động ở xóm trọ nghèo này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.