Cuộc sống trong những căn hộ nằm bán ngầm dưới lòng đất ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ thực sự mới được biết đến qua bộ phim “Ký sinh trùng” (Parasite) của đạo diễn điện ảnh, nhà biên kịch phim tài năng Bong Joon-ho trong đợt liên hoan phim Oscars vừa qua. Vậy, cuộc sống bên trong những “căn hộ kiểu Ký sinh trùng” ở ngoài đời thực diễn ra như thế nào?
Nơi sinh sống của người nghèo
Anh Lee Hyeon-woo, một thanh niên Hàn Quốc 26 tuổi tâm sự với phóng viên của báo SCMP rằng anh cảm thấy thực sự may mắn ít nhất là đã 2 lần trong đời.
Lần đầu tiên là khi Lee Hyeon-woo thi đỗ, nhận giấy gọi nhập học từ một trong những trường đại học nghệ thuật danh tiếng nhất Hàn Quốc ở thủ đô Seoul và lần thứ hai là khi anh tìm được một căn hộ ở Seoul để sống trong thời gian chưa có gì trong tay dù nơi anh sống gần như nằm toàn bộ dưới lòng đất.
Các căn hộ bán ngầm, được gọi là “banjiha” theo tiếng Hàn Quốc, đã được chú ý sau sự thành công của bộ phim giành giải Oscar Parasite của đạo diễn Bong Joon-ho khi trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải thưởng điện ảnh hay nhất mùa Oscars 2020.
Chân dung giả tưởng về một gia đình nghèo đang phải vật lộn mưu sinh, đang mong muốn thoát khỏi cuộc sống bẩn thỉu trong căn hộ ngầm của họ bằng một kế hoạch thâm nhập vào một gia đình giàu có thông qua nghề gia sư.
Dù là “banjiha” được sử dụng như một yếu tố để tạo điểm nhấn tò mò thông qua hiệu ứng hình ảnh đen tối trong phim, nhưng đó cũng là một thực tế thường nhật đối với hàng ngàn người bình thường ở Hàn Quốc.
Lee Hyeon-woo đã sống trong trong căn hộ ngầm banjiha chỉ rộng chưa đầy 24 mét vuông, nằm sâu dưới đất 5 mét của mình được 4 năm. Dù nhà của Lee Hyeon-woo có một cửa sổ lớn trong phòng, nhưng thứ duy nhất có thể quan sát từ bên trong là một bức tường đá cao ở cuối một con hẻm.
“Tôi có thể ngủ đến 3 giờ chiều vì gần như chả có tý ánh sáng mặt trời nào có thể lọt vào đây. Chật hẹp, bức bối thật đấy nhưng, dù sao tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người vì căn hộ của tôi không bẩn thỉu, nấm mốc, không có bọ và có mùi hôi thối như những căn hộ khác tương tự chỗ ở của tôi” - Lee Hyeon-woo nói.
Ẩn mình ngay sau ánh đèn rực rỡ của một thành phố thủ phủ, được biết đến với sự quyến rũ và thành công của các thần tượng Kpop và các tập đoàn gia đình trị giàu có, nhưng các căn hộ banjiha hầu như không được chú ý bởi chúng bị che phủ bởi các kết cấu xây dựng phía trên cùng những tấm chắn che bụi đường.
Di sản của Chiến tranh Triều Tiên
Ở Haebangchon - một địa danh được dịch ra từ tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “ngôi làng tự do”, nơi sinh sống của những người đào thoát khỏi Triều Tiên sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Đây cũng là nơi sống của thi sỹ, nhà văn tự do Lee Seung-cheol, người đã ở trong căn hộ bán ngầm banjiha kiểu “Ký sinh trùng” có hai phòng của ông trong 15 năm qua.
“Không ai muốn sống trong banjiha nhưng phải chấp nhận vì đa số những người như chúng tôi không có đủ tiền để thay đổi” – ông Lee Seung-cheol bộc bạch.
Năm nay đã bước sang tuổi 63, ông Lee Seung-cheol đã tìm ra nhiều cách để thích ứng với cuộc sống khó khăn trong căn hộ bán ngầm bé nhỏ của mình.
Cứ hai năm một lần, ông Lee lại phải thay các tấm chắn trên tường một lần để ngăn chặn độ ẩm cao, cũng như mùi khó chịu từ nấm mốc xuất hiện ở những vách tường lâu lăm. Mùa Đông thì tương đối dễ chịu nhưng mùa Hè thật khủng khiếp với những ai chưa từng nếm trải.
Sự bất tiện lớn nhất đối với Lee Seung-cheol và những người có cùng hoàn cảnh như ông là tiếng ồn từ phía trên. “Có thể nghe thấy tất cả mọi thứ, từ bước chân, tiếng xe cộ, tiếng người, tiếng nước cống chảy bởi vì bạn ở phía dưới tất cả” – ông Lee Seung-cheol tâm sự.
Không phải ai cũng chịu đựng nổi cuộc sống trong những căn hộ bán ngầm như thế này. Baek Hyun-young, một sinh viên đại học đã từng ở trong một căn hộ ngầm banjiha trong một học kỳ trước khi phải sớm cuốn gói đến một căn hộ chung khác ở phía trên từng nói rằng “banjiha giống như một chiếc túi ngủ hơn là một ngôi nhà”.
“Cuộc sống hàng ngày thường bị xâm phạm bởi vì bất cứ ai ở bên ngoài cũng có thể theo dõi tôi trong phòng qua các khe hở nếu không có gì che chắn” - anh chàng sinh viên 23 tuổi nói.
Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, hiện có khoảng 365.000 trong số hơn 20,5 triệu hộ gia đình người Hàn Quốc đã và đang phải sống trong các căn hộ ngầm banjiha từ năm 2018.
Theo ông Park Mi-seon, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu xây dựng Hàn Quốc, banjiha có nguồn gốc từ hoạt động xây dựng bắt buộc ở các thành phố lớn của nước này từ những năm 1970.
Khi đó, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các công ty xây dựng hạ tầng phải bố trí các tầng hầm làm nơi trú ẩn như các boongke trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Triều Tiên.
Chật chội, bí bách nhưng giá thuê không hề rẻ
Vì hai miền Nam, Bắc Triều Tiên vẫn chưa ký được với nhau một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn (mới chỉ có một hiệp ước đình chiến tồn tại vào năm 1953 khi chiến tranh tạm dừng) nên việc sống trong các banjiha là trái pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với làn sóng người di cư từ các vùng nông thôn trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc đổ về thủ đô Seoul tìm việc làm đã buộc chính quyền phải nới lỏng các hạn chế.
Sau hàng chục năm tạm thời kết thúc chiến tranh Triều Tiên, nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển rất mạnh, giá bất động sản cũng tăng theo từng ngày.
Banjiha cùng với loại hình nhà chia sẻ, nhà cơi – ghép trên tầng thượng của các tòa chung cư bắt đầu trở nên phổ biến, đặc biệt là chúng phù hợp với túi tiền và khả năng chi trả của những người nhập cư, sinh viên... đang gặp khó khăn về tài chính.
Tại thủ đô Seoul, giá trung bình của một căn hộ chung cư rơi vào khoảng 899 triệu won (tương đương 755.230 USD/hơn 15 tỷ VNĐ).
Mức giá này cao hơn 400 lần so với lương trung bình hàng tháng của những cư dân đang sống trong các căn hộ bán ngầm banjiha ở Hàn Quốc (2.19 triệu won hay 1.820 USD).
Để thuê được một banjiha, mỗi tháng người ta phải bỏ ra từ 200.000 đến 500.000 won (khoảng 170-420 USD) tùy chất lượng từng căn chưa kể khoản tiền đặt cọc không nhỏ trị giá từ 3.000.000 đến 10.000.000 won (tương đương 2.500 – 8.400 USD).
Những thay đổi về luật xây dựng của Hàn Quốc năm 1984 đã cho phép các chủ đầu tư xây, bán và sử dụng kiểu căn hộ banjiha để gia tăng không gian sống và nơi cư trú cho những người có thu nhập thấp.
Khoảng 63% các căn hộ banjiha là ở thành phố Seoul, chiếm 6% các hộ dân cư của toàn thủ đô Hàn Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận