Thị trường

Cước vận tải "câu giờ", chưa chịu giảm giá

24/12/2014, 07:46

Sau lần thứ 12 xăng dầu giảm giá (tính từ đầu năm 2014) với mức được đánh giá là "kỷ lục", chỉ một số ít doanh nghiệp vận tải giảm giá nhỏ giọt, trong khi cước taxi tiếp tục tìm cách "câu giờ"...

Các hãng taxi vẫn đang chần chừ, nhìn ngó nhau trong việc giảm giá cướcẢnh: Thùy Sinh
Các hãng taxi vẫn đang chần chừ, nhìn ngó nhau trong việc giảm giá cước

Cước taxi khất lần

Anh Thắng, tài xế taxi Thăng Long tại Hà Nội phấn khởi cho biết, để đủ mức khoán 1 triệu đồng/ngày, mỗi ngày anh phải đổ chừng 15 lít xăng. “Sáng hôm qua tôi còn trả gần 300 nghìn đồng tiền xăng, hôm nay chỉ phải trả 269 nghìn đồng. Nếu giá xăng, giá cước vận tải cứ giữ nguyên thì mỗi tháng tôi cũng có thêm khoảng 1 triệu đồng”, anh Thắng nói.

Thừa nhận giá xăng dầu giảm sâu lần này có tác động rõ đến hoạt động vận tải, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc cho biết, Mai Linh đang giao cho bộ phận nghiệp vụ tính toán để lên phương án giảm giá cước, song mức giảm bao nhiêu còn phải cân nhắc.

Tại TP HCM, Giám đốc truyền thông của Mai Linh Nguyễn Minh Hưng xác nhận, đang tính toán kế hoạch giảm giá trình Hiệp hội taxi TP quyết định, song không quên nhấn mạnh: “Mỗi lần giảm giá rất phức tạp và kéo theo rất nhiều hệ lụy”?!

Cũng lấy lý do này, Phó Tổng giám đốc Hãng taxi Ba Sao Phan Văn Nghiêm trình bày, mỗi lần điều chỉnh giá cước, 600 đầu xe của Ba Sao phải ngưng hoạt động ít nhất nửa ngày, chưa kể mức phí kiểm định lại đồng hồ, dán giá mới. “Do đó, không thể có chuyện xăng dầu giảm hôm trước, vài hôm sau là các hãng taxi giảm giá ngay được. Ba Sao sẽ giảm giá cước nếu giá xăng dầu “đứng” ở mức thấp này”, ông Nghiêm “mặc cả”. 

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Vinasun taxi Tạ Long Hỷ cho rằng, lần này rất khó để cước taxi giảm giá, vì “vừa rồi đã giảm, giờ giảm nữa, giảm bao nhiêu là cả vấn đề!...”.

Tại Cần Thơ, phần lớn các hãng taxi đều là chi nhánh của các doanh nghiệp ở TP HCM nên chưa có đơn vị nào giảm giá. Ông Thái Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Taxi Sài Gòn Hoàng Long tại Cần Thơ cho biết, doanh nghiệp mới giảm giá từ 0h ngày 29/11, mức giảm từ 3 - 10%. Với đợt giảm giá xăng dầu lần này, chi nhánh đang chờ chỉ đạo từ công ty ở TP HCM. 

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại Đà Nẵng, bảng giá niêm yết các hãng taxi giữ nguyên ở mức giảm đầu tháng 11 vừa qua. Đại diện Hiệp hội taxi Đà Nẵng lý giải: Cước taxi kê khai giảm giá mạnh nhất với mức tối đa lên tới 32% so với mức cũ, nên dù xăng dầu vừa giảm tới 2 nghìn đồng/lít vừa qua, rất khó để tiếp tục cân đối giảm giá cước.

Ông Nguyễn Sự, Giám đốc Hãng taxi Tiên Sa (Đà Nẵng) dẫn chứng, ở lần giảm giá xăng dầu mới đây, đơn vị tiên phong giảm 700-1.500 đồng/km, trong khi đúng ra mức giảm chỉ ở vài trăm đồng/km. “Việc thay đổi bảng giá, niêm yết kẹp chì, thông báo mỗi lần giảm giá cước khá phức tạp nên chúng tôi “đón đầu” xu hướng xăng dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh, ấn định mức giá giảm cao nhất. Thời gian tới, nếu xăng dầu tiếp tục giảm, chúng tôi sẽ cân đối để đưa ra mức giá mới”, ông Sự nói. 

Tại Nghệ An, Giám đốc Công ty taxi Mai Linh Nghệ An - Hồ Đình Việt nói thẳng, khả năng giảm giá đợt này khó xảy ra, do cước taxi Mai Linh tại Nghệ An hiện thấp hơn 800-1 nghìn đồng/km so với tại Hà Tĩnh, Thanh Hóa và thấp hơn 1.500-2 nghìn đồng/km so với tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. 

Cước vận tải giảm nhỏ giọt

Đối với cước vận tải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh thừa nhận “với mức giảm 2 nghìn đồng/lít xăng dầu, cước vận tải không giảm không được”. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, chỉ một số ít doanh nghiệp kinh doanh vận tải rục rịch giảm giá với mức giảm khá “nhỏ giọt”, còn phần lớn “án binh bất động” hoặc dừng ở “cân nhắc, tính toán”, tương tự như cách thức đối phó của các doanh nghiệp taxi. 

Ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV KS-DL-VT Vũ Linh (Cần Thơ), cho biết, công ty vừa quyết định giảm ngay giá cước vận tải hành khách tuyến Cần Thơ - Cà Mau và ngược lại từ 115 nghìn đồng/người xuống 110 nghìn đồng/người; Còn các tuyến khác sẽ xem xét để lên kế hoạch giảm tiếp; Riêng tuyến Cần Thơ - TP HCM và ngược lại thì không thể giảm được nữa vì công ty đã xây dựng giá thấp, chỉ 120 nghìn đồng/người (xe ghế nằm và giường nằm). 

Theo chủ DNTN dịch vụ du lịch Hùng Dũng (TP Cần Thơ) Bùi Văn Hùng, hiện doanh nghiệp có ba xe hoạt động kinh doanh theo hợp đồng nên việc giảm giá phụ thuộc theo từng hợp đồng. “Chẳng hạn trước đây xe 45 chỗ hợp đồng đi Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh có giá là 5 triệu đồng thì nay sẽ giảm chỉ còn khoảng 4,5 triệu đồng”, ông Hùng nói.

Đối với hoạt động xe buýt, theo ông Nguyễn Hoàng Đạo, Trưởng ban Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ, giá cước xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ là do UBND thành phố quy định và chỉ bằng 40% giá thực tế nên dù xăng dầu có giảm giá thì giá cước xe buýt vẫn không giảm. 

Trong khi đó, ông Tô Văn Hiệp, Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Ship - Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng phân tích, đặc điểm của vận tải hàng hóa đường bộ là lựa chọn thuộc về chủ hàng. Nhiều khách hàng muốn ký kết hợp đồng ổn định giá trong 6 tháng, cho dù giá xăng dầu có lên - xuống thì vẫn thực hiện đúng theo hợp đồng này. Cũng có trường hợp ký theo hợp đồng nguyên tắc trên cơ sở tỷ lệ xăng dầu chiếm 40% cơ cấu giá vận tải, nếu giá dầu tăng giảm đến 5% thì hai bên sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo tỷ lệ tương ứng.

Ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, ở lần giảm giá xăng dầu trước, trong tổng số gần 60 doanh nghiệp vận tải, mới chỉ có gần 20 doanh nghiệp thực hiện giảm giá cước từ 10-15%. Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đà Nẵng Đinh Ba khẳng định, sẽ có văn bản đề nghị Sở GTVT và Sở Tài chính thành lập đoàn kiểm tra mức giảm giá cước tiếp của các đơn vị vận tải. 

Hiện ở Nghệ An có khoảng 1 nghìn xe taxi và 500 đầu xe khách thuộc hơn 50 doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp chưa có bất cứ động thái nào với mặt bằng giá xăng dầu mới. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An lý giải, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất hai lần giảm giá cước, mức giảm lần một 10%, lần hai 5-8%; Gần đây nhất, vào 24/11, 52 doanh nghiệp tiếp tục ký cam kết giảm 5-10%, vì vậy, hiện tại việc giảm tiếp cước vận tải là rất khó.

“Nếu sắp tới giá xăng dầu tiếp tục giảm, tương đương ít nhất 5% giá cước hiện nay thì các doanh nghiệp mới có thể tính đến phương án điều chỉnh giảm giá cước”, ông Hùng nói.

Nhóm phóng viên  

Bộ trưởng chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giá cước

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa ký Công điện số 120/CĐ-BGTVT yêu cầu kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các đơn vị vận tải không thực hiện đúng các quy định về kê khai, niêm yết giá cước. 

Công điện nêu rõ, so với cùng kỳ năm trước, giá xăng giảm 5.330 đồng/lít (25%) sau 12 lần điều chỉnh, giá dầu giảm 6.590 đồng/lít (35%) sau 21 lần điều chỉnh, trong đó, riêng ngày 22/12 giảm tới 2 nghìn đồng/lít. 

Để thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2015, đảm bảo quyền lợi của hành khách, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Báo cáo Bộ GTVT đợt 1 trước 4/1/2015, đợt 2 trước 15/2/2015 và đợt 3 trước 30/3/2015. 

T.B

Hàng hóa mượn cớ “đứng im”

“Cước vận tải đâu có giảm mà nói giá đầu vào giảm, doanh nghiệp phải giảm giá”, ông Phan Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) khẳng định. 

Nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn “án binh bất động” Ảnh: Lã Anh
Nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn “án binh bất động” 

Theo ông Lý, doanh nghiệp của ông hàng ngày vẫn thuê cả chục chuyến xe chở hàng, nguyên vật liệu từ Tây Nguyên, Gia Lai về nhưng chỉ thấy cước vận tải tăng sau thời điểm siết chặt kiểm soát tải trọng xe với mức tăng tới 70%. “Doanh nghiệp đã “gồng” mình chịu chi phí tăng thêm này để không tăng giá, thì sao nói đến chuyện giảm giá”, ông Lý nhấn mạnh.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng thừa nhận từ đầu năm đến nay, giá cả hàng hóa cơ bản vẫn ổn định, giữ nguyên giá. “Nếu có tăng - giảm giá hàng hóa chút ít thì chủ yếu là do yếu tố mùa vụ, thời tiết chứ không phải từ giá xăng dầu giảm. Chúng tôi rất muốn giảm giá cho người tiêu dùng nhưng không thể được vì nhà cung ứng không giảm”, ông Phú nói.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (siêu thị Fivimart) cũng cho rằng, giảm giá xăng dầu chỉ giúp cho giá hàng hóa giữ ở mức ổn định, chứ không mong giảm, bởi giá vận tải chỉ giảm nhỏ giọt nên chi phí đầu vào của hàng hóa không giảm nhiều, nhất là thời điểm cận Tết như hiện nay.

Quỳnh Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.