Dư thừa công suất, hãng tàu đua nhau cắt chuyến
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry, chỉ số container thế giới hiện tại vẫn tiếp tục giảm, còn 1.404,38 USD/container 40 feet. Đáng chú ý, chỉ số tổng hợp trung bình từ đầu năm đến nay là 1.747 USD/container 40ft, thấp hơn 932 USD so với mức giá trung bình trong 10 năm là 2.678 USD.
Các chuyên gia nhận định, khoảng 2-3 năm qua, có rất nhiều đơn đặt hàng đóng tàu container mới. Kể từ tháng 4/2023, sức tải tàu container toàn cầu đã tăng trưởng với tốc độ trung bình trên 190.000 TEU một tháng.
Theo Seatrade Maritime, ngành hàng hải thế giới đang đối mặt với việc dư thừa công suất. Ước tính, chỉ có 34% trong số 13 triệu Teu công suất được đóng mới năm 2023 được khai thác trên các tuyến chuyên dụng Á-Âu.
Nhu cầu giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng, ngành vận tải biển tiếp tục vật lộn với thị trường yếu kém khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển phải công bố hủy chuyến. Trong đó, nhiều hãng vận tải biển lớn của thế giới đã thông báo hủy hàng loạt chuyến tàu.
Chỉ riêng trong hai tuần 40 (2/10-8/10) và tuần 44 (30/10-5/11), trên các tuyến vận tải hàng hải Đông - Tây chính xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây Dương và châu Á - Bắc Âu và Địa Trung Hải đã có 88 chuyến đi được thông báo bị hủy. Tỷ lệ hủy chiếm tới 13% tổng số chuyến tàu.
Cước vận tải quốc tế giảm mạnh
Ngành hàng hải Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn của ngành vận tải biển.
Một doanh nghiệp vận tải biển cho biết, giá cước vận tải nội địa hiện nay tuy còn thấp nhưng đã có xu hướng ổn định hơn, đặc biệt với các chuyến tàu từ TP.HCM ra miền Bắc. Nguyên nhân do thời điểm gần cuối năm, sản lượng hàng hóa (chủ yếu là lương thực, thực phẩm) xuất đi Trung Quốc nhiều hơn.
Tuy nhiên, giá cước của các tuyến vận tải quốc tế có phần kém hơn. Tuyến vận tải từ Hải Phòng đi các cảng biển của Trung Quốc, giá cước hiện nay chỉ khoảng 20-30 USD/Teu, có nơi còn âm cước và hãng tàu chỉ thu phụ phí.
"Giá cước thực tế rất khó nắm bắt bởi còn tùy chính sách của từng doanh nghiệp với các đối tác, tùy hợp đồng, tuyến chạy...", doanh nghiệp này nói và cho biết thời gian tới, nhiều hãng tàu có tàu cho thuê định hạn tại nước ngoài hết hạn hợp đồng, nguy cơ bị trả về có thể khiến thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt. Ước tính thời gian tới, có ít nhất khoảng 5 tàu container của các hãng vận tải biển Việt Nam từ nước ngoài trở về, làm tăng đội tàu chạy nội địa.
Dự báo của SSI, giá cước của ngành sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng cung cầu. Trên sàn giao dịch logistics Phaata, chi phí từ TP.HCM đi NewYork khoảng 32-35 triệu đồng/container 20 feet và 38-42 triệu đồng/container 40 feet. Trong khi đó thời điểm cao điểm hồi tháng 4/2022, mức chi phí của tuyến này lên tới hơn 315 triệu đồng/container 40 feet.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, trong tháng 8, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 62,7 triệu tấn. Hàng container đạt 20,4 triệu tấn và hàng container tính theo Teu đạt 2 triệu Teu.
Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, thị trường vận tải biển hiện còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi lượt tàu thuyền qua cảng còn thấp, lượng hàng cũng không nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận