Giao thông

Cuối 2015, xong cầu đường sắt Bình Lợi

16/07/2014, 10:12

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi, hôm qua (15/7).

 

Cầu Bình Lợi cũ
Cầu Bình Lợi cũ

Cầu Bình Lợi có lý trình tại Km1719 + 086 tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM. Cầu Bình Lợi cũ đã được xây dựng từ những năm 1900 đến nay, dù được bảo dưỡng thường xuyên nhưng đã xuống cấp.

Trước kia, cầu Bình Lợi là cầu chung đường sắt và đường ô tô nhưng hiện nay, chỉ xe mô tô và người đi bộ được phép qua cầu. Tuy nhiên do cầu hẹp, lượng phương tiện và người tham gia giao thông quá đông nên thường xuyên bị ùn tắc. 

Hơn nữa, ông Vũ Tá Tùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết, do khổ thông thuyền thấp, cầu Bình Lợi ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thông thủy và mất ATGT. Nhiều vụ đâm va tàu thủy đã xảy ra tại khu vực này, do vậy rất cần  nâng cấp hoặc xây mới cầu Bình Lợi. 

Đơn vị tư vấn cũng đưa ra nhiều phương án để nâng cấp cầu Bình Lợi. Trong đó phương án 1 là cải tạo, sửa chữa một phần hoặc toàn bộ cầu cũ. Phương án 2 là xây cầu Bình Lợi mới bên cạnh cầu cũ.

Tại cuộc họp mới đây, gần như toàn bộ ý kiến các chuyên gia đường sắt và lãnh đạo 2 địa phương có cầu đi qua là Bình Dương và TP HCM đều thống nhất quan điểm xây cầu Bình Lợi mới bên cạnh cầu cũ và không di dời ga Bình Triệu. Phương án này đảm bảo đầy đủ các yêu cầu đặt ra cả trước mắt và lâu dài.

Ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Dự án sẽ kết nối các khu công nghiệp của tỉnh và cả các địa phương khác. Vì vậy địa phương quyết tâm làm. Phương án xây cầu mới và không di dời ga Bình Triệu là hợp lý, vững bền nhất”.

Ông Đậu An Phúc - Trưởng phòng Hạ tầng Sở GTVT TP  HCM cũng thống nhất phương án này và cho biết, công tác GPMB cũng không đáng ngại. Cả tuyến dự kiến mất khoảng 250 tỷ để GPMB. Sau khi hoàn thành, có thể áp dụng biện pháp thu phí đường thủy để bù khoản chi này, công nghệ hiện nay cho phép làm được. 

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các đơn vị liên quan đến ngày 15/8 phải thiết kế xong dự án. Dự kiến 1/10 sẽ khởi công và thi công trong 15 tháng, đến cuối năm sau phải xong. Về nguồn vốn, Bộ trưởng đề nghị  phương án TP HCM góp 250 tỷ đồng GPMB, tỉnh Bình Dương góp 500 tỷ để thực hiện dự án. Hoặc phương án 2 cho phép thu phí đường thủy. Tỉnh Bình Dương ứng vốn để thực hiện dự án và lấy thu phí trả dần. TP HCM vẫn góp 250 tỷ GPMB.

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.