Khi đường bay thẳng đến Mỹ được thiết lập, cái lợi lớn nhất với hành khách là tiết kiệm thời gian - Ảnh: Thanh Bình |
Tiết kiệm thời gian nhưng giá vé sẽ tăng
Một trong những câu hỏi “nóng” được nhiều cổ đông chất vấn tại Đại hội cổ đông 2018 của Vietnam Airlines là bao giờ hãng này mới có thể bay thẳng đến Mỹ.
Không trả lời thẳng vào câu hỏi này, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ, đến nay chỉ có loại tàu bay thế hệ mới như: Boeing 787-9, 787-10, Airbus A350-1000 có thể tiết kiệm dầu khoảng 10-15%, mới đảm bảo về thương mại kỹ thuật cho đường bay thẳng từ TP.HCM đến San Francisco của Mỹ.
Trong năm 2018, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trung bình 92,7 tàu bay. Bằng việc nhận thêm 2 tàu A350 (SLB) và 9 tàu A321-NEO thuê, trả sớm 4 tàu thuê ATR72 và 3 tàu thuê A330 đến hạn, tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 của hãng sẽ lên đến là 98 tàu bay - tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô và chất lượng đội bay. |
Thứ hai, theo ông Thành, sau gần 10 năm, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới chuẩn bị hoàn tất việc phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) - tiêu chí tiên quyết cho việc thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ. Thứ ba, hãng hàng không được phê chuẩn và đặc biệt là các thủ tục an ninh của Mỹ, việc này có thể kéo dài 2-3 năm. Đó là chưa kể đến các thủ tục pháp lý vô cùng phức tạp khác.
“Sớm nhất, đến cuối năm 2019 có thể bay thẳng đến Mỹ. Nhưng nếu để chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, kể cả vấn đề thương mại có khi phải thêm 6 tháng, 1 năm, tức là đến cuối năm 2020 mới có thể bay được”, ông Thành thông tin.
Với các nước như: Anh hay Liên minh châu Âu (EU), để chấp thuận mở đường bay, nhà chức trách hàng không chỉ đánh giá năng lực của hãng hàng không muốn mở đường bay đến lãnh thổ của mình. Còn với Mỹ, để được bay đến đây, nhà chức trách hàng không của quốc gia đó phải đáp ứng tiêu chuẩn giám sát của ICAO cũng như quy chế an toàn của FAA, cụ thể là phải được phê chuẩn CAT1. Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không VN sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.
Đáng lưu ý, theo ông Thành, Vietnam Airlines sẽ cần khoảng 5-10 năm mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này. Trong trường hợp đường bay thẳng đến Mỹ được thiết lập, theo các chuyên gia, cái lợi lớn nhất với hành khách là tiết kiệm thời gian nhưng có thể giá vé sẽ tăng. Thực tế, với các đường bay đến bờ Tây (San Francisco, Los Angeles), hãng hàng không thường trung chuyển qua các cửa ngõ: Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong khi đó, các đường bay đến New York, Boston thuộc bờ Đông nước Mỹ, hành khách có thể trung chuyển tại Nhật Bản, Hong Kong hoặc các nước châu Âu như Pháp, Đức.
Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25-38 giờ. Tùy vào khả năng chi trả và thời gian cho phép, hành khách có thể chọn chuyến bay có mức giá khoảng 15 - 40 triệu đồng dựa trên thời điểm, hành trình và số điểm trung chuyển.
Cân đối hiệu quả trên toàn mạng bay
Cũng liên quan đến hiệu quả của các đường bay quốc tế mở ra, nhiều cổ đông muốn Hội đồng quản trị Vietnam Airlines làm rõ: Đường bay nào lỗ, đường bay nào lãi. Về vấn đề này, ông Thành phân tích, với một hãng hàng không, chiến lược phát triển đồng bộ đầy đủ dải sản phẩm, cả quốc tế lẫn quốc nội, từ vùng núi đến hải đảo cho đến các đường bay nối Việt Nam với Tây Âu, với Mỹ trong tương lai thì việc cân đối toàn hệ thống đường bay là yêu cầu cao nhất. Đường bay này bổ trợ cho đường bay kia. Có giai đoạn đường bay này thuận lợi, có giai đoạn lại là đường bay khác.
Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định, hiện tại, hệ thống các đường bay đến Đông Bắc Á là tiềm năng và hiệu quả nhất. Điều này tạo cơ sở cho Vietnam Airlines phát triển đường bay đi Tây Âu liên lục địa sang Anh, Pháp, Đức… rồi đến thị trường khổng lồ là Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm vừa qua.
Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không tại Việt Nam có mạng bay rộng lớn nhất, với tần suất khai thác dày đặc và lịch bay nối chuyến thuận tiện. Hãng đang trực tiếp khai thác 94 đường bay với 20 điểm đến trong nước và 29 điểm đến quốc tế. Trong năm 2018, tại thị trường quốc tế, Vietnam Airlines sẽ tăng trưởng tải khoảng 10%, duy trì thị phần và giữ vững vị thế tại các thị trường quốc tế đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Hãng sẽ tiếp tục lộ trình đưa tàu thân rộng thế hệ mới vào các đường bay châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á. Đồng thời, mở đường bay mới Nha Trang - Seoul; Đà Nẵng - Busan, Đà Nẵng - Osaka.
Đối với thị trường trong nước, Vietnam Airlines sẽ tăng tải 10-12% so năm 2017 nhằm duy trì thị phần tải ở mức 42-43%, thị phần của Vietnam Airlines Group gồm cả Jetstar Pacific và VASCO sẽ duy trì ở mức 58-59%. Trong đó, tập trung tăng cường hiệu quả phối hợp giữa Vietnam Airlines và Jetstar Pacific trong chiến lược thương hiệu kép. Dự kiến, hãng sẽ mở mới các đường bay Nha Trang - Phú Quốc, Sài Gòn - Chu Lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận