Làm báo cùng Giao thông

Cười hay khóc mỗi khi kết thúc một kỳ thi?

04/08/2017, 07:23

Năm sau khác năm trước, thi tuyển liên tục thay đổi cách thức, tiêu chí. Nhưng năm nào cũng có chuyện đáng lo....

9

Lại một kỳ thi người cười hận, kẻ khóc mừng - Ảnh minh họa.

Việc điểm chuẩn của các trường đại học năm nay cao bất thường, thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 vẫn thấp hơn điểm tuyển vào một số trường như: Học viện An ninh, Phòng cháy chữa cháy đang làm nóng dư luận.

Chính vì có nhiều thí sinh điểm cao “thi đấu” nên có trường đưa ra điểm chuẩn tới 30,5. Điều này khiến nhiều người cảm thấy… lạ lùng, còn ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT thì cho rằng, đó là bất hợp lý. Bởi xưa nay, mỗi môn cao nhất cũng chỉ 10 điểm. Điểm chuẩn cao hơn điểm tối đa sẽ khiến có thí sinh điểm tối đa vẫn bị trượt và sẽ thành chuyện buồn cười.

Phải chăng học sinh năm nay giỏi hơn trước hay có vấn đề gì đó trong cách ra đề, chấm điểm thi đại học?

Với mức điểm chuẩn trên 30, sẽ có thí sinh ở khu vực 3 (các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương) đạt 30 điểm vẫn trượt vì không có điểm cộng, trong khi có em điểm thấp hơn lại đỗ nhờ cộng điểm ưu tiên. Trong bối cảnh chỉ thiếu 0,05 điểm đã “rớt đài” thì việc đưa ra dải điểm tới 1,5 cho các đối tượng được ưu tiên khi xét tuyển có vẻ như chưa công bằng.

GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, số thí sinh trúng tuyển vào trường kỳ này đa số cộng điểm.

Một ngôi trường danh giá như Đại học Y Hà Nội mà đa số sinh viên đều bước qua cổng trường bằng điểm ưu tiên, thì chất lượng có thật như thương hiệu?

Quy định làm tròn điểm xét tuyển đại học theo bước 0,25 cũng khiến nhiều thí sinh dở khóc dở cười. Ví dụ, một thí sinh đạt 29,35 điểm bị làm tròn xuống thành 29,25, trong khi thí sinh đạt 29,15 được làm tròn lên 29,25. Với cách làm tròn này, cộng thêm xét tiêu chí phụ như điểm tiếng Anh phải trên 9 mới xét tuyển, khiến thí sinh có điểm gốc cao hơn bị trượt, trong khi thí sinh điểm gốc thấp hơn nhưng đáp ứng tiêu chí phụ thì lại đỗ. Trong trường hợp này, tiêu chí phụ lại quyết định cả tiêu chí chính.

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm thi trắc nghiệm đã có sự phân hoá đến 0,01 điểm, thì việc xét tuyển hoàn toàn có thể dựa vào điểm thi của thí sinh từ cao xuống thấp. Khi đó, điểm số trùng nhau cũng không nhiều như khi làm tròn số. Thế thì sao phải làm tròn để rồi trường thì tính điểm gốc, trường thì tính điểm làm tròn, trường tính thêm tiêu chí phụ cho “phức tạp hóa vấn đề”?

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, từ kết quả điểm thi năm nay, cần rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa cao hơn nữa, để chỉ những học sinh rất giỏi mới có thể làm được hết, qua đó phân loại thí sinh chính xác hơn.

Không phủ nhận những năm gần đây, ngành Giáo dục đã cải cách rất nhiều trong công tác tuyển sinh từ mẫu giáo đến đại học. Năm sau rút kinh nghiệm của năm trước nhưng cứ mỗi kỳ thi đến cả phụ huynh và học sinh lại “rối như canh hẹ” không biết đường nào mà lần. Vui cũng có nhưng buồn thường nhiều hơn.

Như kỳ thi đại học năm nay, ngoài những vấn đề vừa được nêu ở trên, người viết bài này xót xa khi thấy điểm chuẩn khối sư phạm nằm ở tốp thấp kỷ lục. Sư phạm Vinh, Sư phạm Huế, một số ngành học tuyển thí sinh có tổng điểm 3 môn là 12,5 và 15,5. Chỉ bằng già nửa so với các trường tốp đầu như: Y khoa, an ninh…Với chất lượng đầu vào như thế, chúng ta sẽ có những giáo viên tương lai ra sao? 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.