Xã hội

Cuối năm 2023, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc

13/07/2023, 10:04

Với nguồn vốn đầu tư công dành cho GTVT vô cùng lớn, Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường vì lợi ích quốc gia.

>> Thủ tướng chốt tiến độ khởi công hàng loạt dự án GTVT trọng điểm

Vốn cho giao thông vận tải chiếm tỉ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư công

Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 5 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT (Ảnh: VGP).

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, đã nêu rõ yêu cầu ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Trong đó, đầu tư bao gồm đầu tư công, đầu tư tư, đầu tư nước ngoài, với tinh thần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn ngoài Nhà nước, từ đó tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian, động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Nguồn vốn cho giao thông vận tải chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 (riêng vốn trung ương khoảng 711.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục được cân đối, bố trí, bổ sung thời gian tới).

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tự lực, tự cường, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" để triển khai các công việc.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT (Ảnh: VGP).

Thay đổi lớn trong tư duy của địa phương

Theo báo cáo của Bộ GTVT, sau cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo vào ngày 4/4, Thủ tướng, các phó thủ tướng tiếp tục có nhiều chỉ đạo, điều hành tại các cuộc họp chuyên đề; trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án, kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị, công điện tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt về giải phóng mặt bằng (GPMB) và cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) cho dự án.

Nhờ đó, các cấp chính quyền địa phương đã thay đổi rất lớn trong tư duy, đổi mới cách làm, xác định việc hoàn thành công tác GPMB các dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Một số địa phương đã thành lập tổ công tác đặc biệt để trực tiếp chỉ đạo.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc, quyết liệt triển khai công tác GPMB, xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật. Đã phối hợp với các chủ đầu tư trong triển khai các thủ tục liên quan đến mỏ VLXD; tăng cường kiểm tra hiện trường để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án...

Các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Tài chính... đã phối hợp thúc đẩy, giải quyết vướng mắc cho các dự án, như hoàn thành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư/điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án trọng điểm; giải quyết các thủ tục về nguồn vốn; xử lý các vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu đắp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình...

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp (Ảnh: VGP).

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo về tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, hiện đã bàn giao 87% mặt bằng; đã hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu.

Các địa phương đã tổng hợp để trình HĐND tỉnh thông qua trong tháng 7/2023 chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất các khu vực liên quan đến mỏ VLXD, để các nhà thầu triển khai khai thác vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023.

14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông - Tây và 2 đường vành đai đã triển khai GPMB đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và TP.HCM đạt trên 85%; đang tích cực triển khai GPMB phần còn lại để hoàn thành trước 31/12...

Tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 98% diện tích của dự án Cảng hàng không Long Thành. TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để hoàn thành công tác GPMB dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

12/14 địa phương (TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục Đông - Tây (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM) đã nỗ lực triển khai để khởi công các dự án trước ngày 30/6 theo đúng yêu cầu của Chính phủ, nâng tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác 4 dự án thành phần (cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 312 km trong quý II/2023, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.729 km, tạo được hiệu ứng lớn, sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phấn khởi của nhân dân.

"Đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123 km, tăng tổng số đường cao tốc lên 1.852 km", Thứ trưởng Lâm báo cáo tại cuộc họp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.