CSGT đo nồng độ cồn đối với anh Nguyễn Đăng Khiêm |
Gọi điện “cầu cứu”, nhai kẹo cao su, súc miệng bằng nước lọc, cố tình mím môi không thở đủ hơi để đo nồng độ cồn... là những chiêu trò mà các “bợm nhậu” giở ra để đối phó với CSGT.
Gọi liên tiếp 4 cuộc điện thoại nhờ can thiệp
Tối 24/8, PV Báo Giao thông theo chân tổ công tác Đội CSGT số 6 do Trung úy Trịnh Minh Hải làm tổ trưởng, xử lý người điều khiển phương tiện uống rượu bia tại ngã ba Phạm Hùng - Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là vị trí được chọn sau khi CSGT đã khảo sát rất kỹ vì tập trung rất nhiều các nhà hàng, quán nhậu.
Đến 20h30, sau khi nhận thông tin từ bộ đàm của cán bộ hóa trang “mật phục” tại khu vực gần đó, tổ công tác dừng xe ô tô 4 chỗ BKS 29A-261.14, do anh Chu Quang Trung (SN 1976, ở Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển. Trên xe lúc này có thêm hai người nữa, tất cả đều có biểu hiện đã sử dụng bia rượu. Sau khi tiến hành đo nồng độ cồn, kết quả cho thấy anh Trung vi phạm 0,207 miligam/lít khí thở.
Sau khi lập biên bản, CSGT thông báo sẽ tiến hành tạm giữ phương tiện, lúc này tài xế Trung mới hốt hoảng lấy điện thoại gọi “cứu viện”, đồng thời đưa điện thoại cho CSGT... nói chuyện. Việc này diễn ra tới 4 lần trong vòng gần 20 phút, tuy nhiên, Trung úy Trịnh Minh Hải vẫn mềm mỏng giải thích, tuyên truyền để người vi phạm nhận thức được hậu quả của việc uống rượu bia khi lái xe. Sau đó, tài xế Trung mới chấp hành ký vào biên bản, xử phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng 2 tháng, giữ xe 7 ngày.
Trước đó, khoảng 19h30 tối 23/8, PV theo chân tổ công tác, Đội CSGT số 9 phối hợp cùng Đội CSGT trật tự, phản ứng nhanh Công an huyện Hoài Đức kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Km 16 tuyến QL32 khu vực thị trấn Trạm Trôi. Sau ít phút lập chốt, cảnh sát đã tiến hành dừng xe kiểm tra hành chính đối với ông Đinh Văn Đạt (SN 1974, ở Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) điều khiển xe máy Air Blade BKS 29X5-232.78. Khi CSGT thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn, thay vì chấp hành, ông Đạt không hợp tác, rút điện thoại gọi “cứu viện”, đồng thời yêu cầu ngược tổ công tác nghe điện thoại, đồng thời dọa: “Toàn chỗ quen to, giữ xe không được đâu, phiền đấy!”.
Thời gian ông này gọi điện và đưa điện thoại yêu cầu CSGT phải nghe diễn ra đến gần nửa giờ. Khi “chiêu trò” này không hiệu quả, ông Đạt mới chấp hành để cảnh sát đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, người này cố tình mím môi, không thở đủ hơi. Sau 4 lần “thi gan” với cảnh sát như thế, ông Đạt lại tiếp tục gọi điện “cầu cứu” người quen. Đến lần thứ 5, cảnh sát đã đo được 0,609 miligam/lít khí thở. Với mức vi phạm này, ông Đạt bị phạt 3,5 triệu đồng, tước GPLX 4 tháng.
Nhai kẹo cao su, uống nước súc miệng
Cũng tại chốt này, cảnh sát đã tiến hành dừng xe kiểm tra đối anh Nguyễn Đăng Khiêm (SN 1990, ở Tân Lập, huyện Đan Phương, Hà Nội), điều khiển xe máy Exceiter BKS 29X3-107.49. Kết quả cho thấy anh Khiêm vi phạm 0,260 miligam/lít khí thở. Tuy nhiên, khi cảnh sát đang định lập biên bản thì anh Khiêm xin kiểm tra lại. Lợi dụng lúc CSGT không để ý, anh Khiêm đi ra xe máy và lấy hai chiếc kẹo cao su để nhai, đồng thời với chai nước treo trên xe súc miệng sạch sẽ. Có thể người này nghĩ nhai kẹo cao su và súc miệng xong sẽ giảm bớt được nồng độ cồn.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ ngày 16 - 22/8, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 201 trường hợp vi phạm, tạm giữ 201 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn 198 trường hợp; 3 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. |
Tuy nhiên, tại chốt kiểm tra, tiến hành đo nồng độ cồn lần 2, mức vi phạm vẫn là 0,256 miligam/lít khí thở, chỉ giảm một chút xíu nồng độ. Thiếu tá Đỗ Trường Quân, Đội trưởng Đội CSGT trật tự, phản ứng nhanh Công an huyện Hoài Đức cho biết, với mức vi phạm này, anh Khiêm bị phạt 1,5 triệu đồng, giữ xe 7 ngày, tước GPLX 2 tháng.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, sau 1 tuần triển khai thực hiện cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, TNGT, đặc biệt là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, TNGT trên địa bàn thành phố đã được kiềm chế.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm thường ngụy biện các lý do khác nhau để không hợp tác với yêu cầu kiểm tra của lực lượng CSGT, nhằm trì hoãn việc kiểm tra về nồng độ cồn hoặc bỏ đi, để lại phương tiện, làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả công tác. Nhiều quán ăn, nhà hàng… sau khi thấy lực lượng CSGT bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoặc phát hiện cán bộ hóa trang thông báo bộ đàm thì thông báo cho khách hàng để có biện pháp trốn tránh sự kiểm tra…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận