Một cảnh trong vở diễn “Quan thanh tra”. |
Nhà hát Tuổi trẻ vừa có buổi công diễn vở hài kịch Quan thanh tra phiên bản Việt do NSƯT Chí Trung làm đạo diễn. Vỡ diễn lồng ghép nhiều vấn đề thời sự “nóng” mang đến cho khán giả tiếng cười sâu cay.
Chung tay dựng kịch kinh điển
Được hoàn thành năm 1835 và công diễn vào năm 1836, Quan thanh tra là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của đại văn hào Gogol. Nội dung tác phẩm xoay quanh câu chuyện về một anh công chức nhỏ lang thang đến một thị trấn miền Nam nước Nga và bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ Thủ đô Peterburg đi thị sát.
Vốn là những kẻ tham lam thường nhũng nhiễu và hạch sách dân thường, cánh quan chức ở đây vô cùng lo sợ. Từ thị trưởng đến các quan lại đứng đầu đều khúm núm tìm cách mua chuộc, hối lộ vị quan lớn “bất đắc dĩ” này. Nhân cơ hội “thừa nước đục thả câu”, kẻ nọ tố cáo người kia, nói xấu lẫn nhau hòng leo lên những vị trí cao hơn, trục lợi cá nhân và bóc lột những người dân “thấp cổ bé họng” nhiều hơn.
Dù đã được dịch ra tiếng Việt từ lâu và được nhiều khán giả yêu thích, nhưng Quan thanh tra vẫn chưa có cơ hội được dàn dựng trên sân khấu. Với mong muốn đem đến cho khán giả yêu sân khấu Hà Nội một vở kịch thật sự đặc sắc nằm trong bộ sách tuyển chọn 100 tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới (NXB Sân khấu), Nhà hát Tuổi trẻ đã quyết định bắt tay dàn dựng vở hài kịch kinh điển Quan thanh tra.
NSƯT Chí Trung chia sẻ anh đã gọt giũa kịch bản sao cho có thể truyền tải hết thông điệp của vở kịch trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Song song với việc chỉnh sửa kịch bản, anh cũng đặc biệt chú tâm tới việc khắc họa “tinh thần” Nga trong vở diễn. Đạo diễn đã đặt hàng nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sáng tác ca khúc lời Việt trên nền nhạc Nga; Biên đạo múa Lâm Yến - người có 7 năm học múa tại Nga phụ trách phần vũ đạo. Họa sĩ Doãn Bằng đảm nhận sân khấu và phục trang.
Hài kịch kinh điển Quan thanh tra dựa theo nguyên tác của tác giả Nikolai Vasilyevich Gogol (1809 - 1852) - một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng trong làng văn học Nga và Ukraine cuối thế kỷ XIX. Quan thanh tra sẽ chính thức công diễn ngày 27/2 tại Nhà hát Tuổi trẻ. |
Cùng với đó, gần như toàn bộ diễn viên thuộc Đoàn kịch I và II của Nhà hát Tuổi trẻ đã cùng tập luyện trong suốt 3 tháng ròng rã cho vở kịch. Vai chính của tác phẩm được giao cho nam diễn viên trẻ Chí Huy. Tuy còn trẻ nhưng với kinh nghiệm diễn xuất nhiều năm, Chí Huy đã thể hiện rất tròn vai và nhận được sự ủng hộ từ hội đồng nghệ thuật cũng như khán giả trong buổi tổng duyệt.
Nghệ sĩ hài Vân Dung cũng nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã nỗ lực hết mình khi tham gia vở diễn. Chị gây ấn tượng với khán giả khi diễn tả thành công nét tính cách hóm hỉnh, hài hước của người đàn bà lẳng lơ, yêu trai trẻ...
Ngoài Chí Huy, Vân Dung, Ngọc Huyền, Thanh Tú... các diễn viên khác của nhà hát cũng góp sức không nhỏ mang đến cho khán giả tiếng cười sâu cay trong những tình huống trớ trêu trên sân khấu. Khắc họa nhân vật bình thường đã khó, đây lại là những nhân vật “chuột”, đúng hơn là “một đám chuột” từ Chủ sự Bưu vụ, đến Chánh án hay Viện trưởng Viện Tế bần - lại càng khó khăn hơn.
Tính thời sự “vắt ngang” 3 thế kỷ
Được chắp bút từ gần 2 thế kỷ trước, vậy mà cho tới nay, tính thời sự của Quan thanh tra vẫn còn nóng hổi, nhất là với vấn nạn tham nhũng. Ở đó, người xem thấy cả một xã hội Nga thế kỷ XIX hiển hiện trên sân khấu. Trong xã hội đó có cả một “đàn chuột chù” chuyên đục khoét, bòn rút người dân mà “chuột đầu đàn” là Thị trưởng Anton. Đàn chuột ấy từ Viện trưởng Viện Tế bần, tới Chánh án, Chủ sự Bưu vụ, nhà Kiểm học... đều ra sức bóc lột dân chúng không thương tiếc, bằng mọi cách lợi dụng chức quyền của mình để vơ vét làm giàu.
Dân đen, nhà buôn oán hận biểu tình khắp nơi vì không thể chịu được cảnh 1 năm mà có tới 6, 7 lần sinh nhật Thị trưởng, mà lần nào cũng phải quà cáp đàng hoàng. Thậm chí, nhà không có tiền thì con trai dù chưa đủ tuổi, bị bệnh hen vẫn bị tống đi lính, trong khi con nhà giàu có tiền đút lót vẫn nhởn nhơ ăn chơi...
Trong bối cảnh tăm tối và ngột ngạt đó, nghe thấy tin Quan thanh tra về thị trấn, đương nhiên cả đám quan lại đều phải lo sợ, nơm nớp tìm cách che đậy những xấu xa đê tiện của mình. Nhưng “gậy ông đập lưng ông”, cả đám chủ - tớ đã lầm tưởng một kẻ chuyên “ăn tục nói phét”, có vẻ ngoài trông “thành phố” là Quan thanh tra.
Cũng chỉ để che đậy xấu xa, mà việc hối lộ lại được dịp lộng hành. Tất cả chỉ vỡ lở sau khi viên Chủ sự Bưu vụ, vì cái thói chuyên đọc trộm thư của người khác, đã đọc được lá thư mà vị quan rởm kia viết cho bạn hắn. Lúc đó, tất cả mới vỡ òa vì quả lừa cay đắng này. Những “con ngựa thiến lông xám”, “con lợn đội mũ nồi”... đều trở thành trò cười của kẻ đã cao chạy xa bay kia...Với vai trò đạo diễn, NSƯT Chí Trung đã khéo lồng ghép những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây. Đó là chuyện sẵn sàng xử án oan 17 năm trong 30 phút của viên Chánh án, chuyện bỏ phắt môn Lịch sử khỏi chương trình giáo dục của nhà Kiểm học, vấn đề thiếu giường bệnh tại các bệnh viện...
NSƯT Chí Trung chia sẻ: “Thông điệp của vở kịch là rất rõ ràng. Khán giả có thể dễ dàng nhận thấy thông qua việc khắc họa hình ảnh những “con chuột” trên sân khấu. Tôi nghĩ rằng, việc hài kịch đề cập đến những vấn đề tham nhũng hay thời sự xã hội không chỉ để phê phán những việc làm sai, mà là chỉ ra để giúp xã hội tốt đẹp hơn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là phòng chống tham nhũng, do đó nghệ thuật cũng phải góp sức mình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận