Ông Lương Quang Thanh, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và đoàn công tác về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn
Tất cả 11 gói thầu đồng loạt triển khai, giải ngân đáp ứng tiến độ
Chiều nay (24/12), đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đi khảo sát tình hình thi công, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) tại Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn, qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế dài 98,3km, gồm 11 gói thầu xây lắp. Giai đoạn phân kỳ, đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang các đoạn tuyến thông thường mặt đường 11m, nền đường 12m; các đoạn nền đào sâu, vượt xe mặt đường 21,5m, nền đường 23m. Tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, từ nguồn vốn TPCP.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lương Quang Thanh, Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, công tác GPMB đến nay đã bàn giao 96,6/98,3km tuyến chính và 37,4/38km tuyến tránh (đạt 98,2%), cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên xen kẹp một số đoạn tuyến còn vướng mặt bằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) chưa hoàn thành công tác di dời, khi triển khai thi công gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đặc biệt những vị trí phải xử lý đất yếu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi thêm về các điểm còn vướng GPMB...
Đoạn Quảng Trị đã bàn giao 37,3/37,3km (đạt 100%), tuy nhiên còn 1,5km đường gom và 1,2km điều chỉnh thiết kế (thuộc phạm vi nâng đường đỏ) chưa bàn giao xong. Đoạn Thừa Thiên Huế, tuyến chính đã bàn giao 59,6/61km, còn 1,4km tuyến chính và 0,06km hoàn trả tuyến tránh chưa bàn giao, tập trung chủ yếu ở các hộ TĐC…
Về công trình HTKT, công tác di dời lưới cao thế 500kv, 200kw, 110kv địa phương đang triển khai. Tại Quảng Trị, hệ thống thông tin tín hiệu đã di dời xong, chỉ còn một số cột điện đi ngầm thuộc hành lang cầu vượt ĐT579 dự kiến thực hiện trong tháng 1/2021.
Tại Thừa Thiên Huế, địa phương đang lập hồ sơ GPMB các vị trí trụ điện chôn mới, Ban đã làm việc và đề nghị địa phương tiếp tục vận động trong thời gian chờ phê duyệt GPMB, nhà thầu thi công sẵn sàng phối hợp trong công tác di dời. Đồng thời, Ban đã làm việc với điện lực Thừa Thiên Huế, đơn vị chủ quản đã sẵn sàng thiết bị để di dời khi có mặt bằng.
Đáng kể, công tác triển khai thi công, sản lượng xây lắp Dự án có tổng giá trị lũy kế đến nay là 1.702/5.449 tỷ đồng, đạt 31,3% giá trị hợp đồng. Giải ngân toàn dự án 1.702/1.826 tỷ đồng, đạt 93,21% (bao gồm kế hoạch vốn năm 2020 là 1.524,75 tỷ đồng và 302 tỷ bổ sung kế hoạch vốn năm 2020), cơ bản đáp ứng tiến độ đăng ký.
Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo thêm về công tác GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Mưa lũ dồn dập, vướng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài, bất thường vừa qua, một số hạng mục công trình trên tuyến đã thi công bị ảnh hưởng. Hệ thống đường công vụ nội ngoại tuyến, đặc biệt là các cầu tạm, cầu công vụ bị hư hỏng hoặc bị lũ trôi, mặt bằng công trường hư hỏng nặng.
Ban đã yêu cầu các nhà thầu tập trung sửa chữa, khắc phục khi thời tiết thuận lợi, đồng thời rà soát hiện trường có giải pháp xử lý, cũng như mời đơn vị bảo hiểm xác nhận thiệt hại do thiên tai; triển khai thi công các hạng mục phù hợp điều kiện thời tiết hiện tại: đào đá nền đường, công tác bê tông, tập kết vật liệu...
Gói XL1, XL2 là 2 gói thầu đầu tiên triển khai (quý III/2019), các gói còn lại (từ XL3 đến XL11) khởi công quý I, II quý II/2020, nhưng từ tháng 10 đến nay mưa lũ bất thường, kéo dài hơn dự kiến; mặt khác một số vị trí chưa được bàn giao mặt bằng dẫn tới chậm tiến độ thi công (đặc biệt là hạng mục xử lý đất yếu).
Ban đã chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, tăng ca để khi thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công bù lại hạng mục bị chậm, phấn đấu hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra: Gói XL1, XL2 dự kiến hoàn thành quý III/2021; các gói còn lại hoàn thành trong quý I/2022.
Đoạn tuyến dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua trước cây xăng dầu Hưng Phát chưa thể thi công nền
Tại hiện trường, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiến nghị đoàn công tác có ý kiến với địa phương đôn đốc các Sở, ban ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án (bao gồm việc di dời hệ thống HTKT) trong năm 2020, đặc biệt là đoạn cần xử lý nền đất yếu; giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp đoạn Thừa Thiên Huế cũng như sớm hoàn thiện thủ tục liên quan đến cây xăng Hưng Phát bị ảnh hưởng do đoạn tuyến cao tốc đi qua trước mặt không thể kinh doanh... để nhà thầu thi công đoạn này.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết bàn giao cho dự án trước 31/12/2020 và chỉ đạo các huyện thị hoàn thiện các thủ tục pháp lý để bàn giao mặt bằng còn lại. Tuy nhiên những trường hợp còn lại đều là những vướng mắc lớn, liên quan đến các hộ dân TĐC… cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều đơn vị, sở ban ngành liên quan để sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 1,4km mặt bằng tuyến chưa bàn giao trên hiện còn vướng mắc GPMB là 800m: Nam cầu Tuần (thị xã Hương Thủy) 400m, Bắc cầu Tuần (thị xã Hương Trà) 300m và một số vị trí tại thị xã Hương Trà; 600m còn lại đã có phương án và người dân đồng ý nhận tiền…
Điểm vướng mắc mặt bằng liên quan đến hộ dân TĐC phía Bắc cầu Tuần
Sáng mai (25/12), đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện và GPMB, TĐC dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận