Không nên sử dụng các mệnh lệnh hành chính can thiệp trong các hợp đồng dân sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp bàn cho ý kiến nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo đề nghị tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, trong đó, đáng chú ý có đề nghị bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế mới gồm: Cắt điện, nước tại địa điểm vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc dùng mệnh lệnh hành chính để tạm chấm dứt hợp đồng dân sự như vậy là can thiệp "quá sâu" vào quan hệ dân sự. "Việc cắt điện, nước để buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định xử phạt là không thực sự phù hợp. Do vậy, đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước trong lần sửa đổi này", ông Tùng nói.
Bàn về đề xuất trên, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, không nên áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt hành chính. Vì, bản chất việc cung cấp các dịch vụ điện, nước là hợp đồng dân sự, chỉ tòa án mới có quyền đưa ra phán quyết hủy bỏ hoặc chấm dứt, đình chỉ hay xử phạt với những vi phạm trong hợp đồng.
“Trong Nhà nước pháp quyền, các quy định về quyền hành chính, quyền dân sự của tư pháp phải được tách bạch, rành mạch, không nên lấn cản sang các chức năng của cơ quan tư pháp. Do đó, việc sử dụng các mệnh lệnh hành chính can thiệp trong các hợp đồng dân sự sẽ không chỉ gây thiệt hại cho những người vi phạm mà còn gây thiệt hại cho cả những nhà cung cấp”, luật sư Bình cho biết.
Luật sư Bình cho biết thêm, những hành vi vi phạm đôi khi chỉ là hành vi của một cá nhân nhưng biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước lại gây ảnh hưởng tới cả một tổ chức, một hộ gia đình, thậm chí cả một tập thể. Nếu áp dụng chung như vậy sẽ gây thiệt hại cho cả những người không liên quan.
“Bên cạnh đó, có nhiều dự án, công trình có chủ đầu tư khác nhưng đơn vị thi công lại khác nhau. Trong rất nhiều trường hợp có thể những vi phạm là thuộc về lĩnh vực xử phạt hành chính nhưng lại có nhiều hành vi tái phạm thì lại thuộc về trách nhiệm hình sự nếu ở mức nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, Nhà nước thì có thể khởi tố, xử lý hình sự”, luật sư Bình phân tích.
Có thể sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế khác
Luật sư Bình đưa ra một số biện pháp cưỡng chế có hiệu quả hơn so với việc cắt điện, cắt nước.
“Để bảo đảm tính khả thi, luật nên nghiên cứu theo hướng nâng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong trường hợp xử phạt nếu không thi hành có thể tính lãi suất nhân theo mức tiền xử phạt. Cũng có thể áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vĩnh viễn các cơ sở có hành vi vi phạm nếu tái phạm. Có thể yêu cầu xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng, hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và nhà nước”, luật sư Bình phân tích.
Bàn về nội dung này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là nội dung mới, cần cân nhắc, xem xét thận trọng.
Bà An cho rằng, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Do đó, nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp ngừng cung cấp điện, nước cho cá nhân, tổ chức.
PGS.TS Bùi Thị An phân tích thêm: “Trong xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có rất nhiều biện pháp vừa hiệu quả, vừa thực tế hơn mà không cần áp dụng các mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Vì can thiệp theo biện pháp cưỡng chế, buộc dừng hoạt động như cắt điện, nước có thể sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp cũng như gây ảnh hưởng tới hoạt động chung của nền kinh tế”.
Tuy nhiên, bà An cũng nêu quan điểm việc cắt điện, nước để buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định xử phạt chỉ thực hiện khi cá nhân, tổ chức này có dấu hiệu vi phạm đến an ninh quốc gia.
“Việc cá nhân, tổ chức vi phạm đến an ninh quốc gia thì việc cắt điện, cắt nước để buộc họ phải thi hành quyết định xử phạt hành chính là cần thiết”, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội cho hay.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến thì cho rằng, chế tài cưỡng chế trong quá trình xử phạt hành chính là cần thiết. Nhưng sử dụng biện pháp cắt điện, cắt nước (điện nước là nhu cầu tối thiểu của người dân) thì không nên.
“Ví dụ gia đình có một người bị xử phạt hành chính mà không chấp hành bị cắt điện, cắt nước thì sẽ ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình”, ông Tiến cho hay.
Ông Tiến cũng cho rằng, mua điện, mua nước là quan hệ dân sự giữa cơ quan sản xuất điện, sản xuất nước với người dân. Còn xử phạt hành chính là chuyện khác, không nên “hành chính hóa quan hệ dân sự".
“Mình có nhiều biện pháp cưỡng chế, như có thể tăng cấp số nhân số tiền bị xử phạt hành chính nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện. Hoặc có thể sử dụng biện pháp phong tỏa tài khoản giao dịch tại ngân hàng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thu tiền phạt theo quy định”, ông Tiến phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận