Pháp đình

Cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị đề nghị án từ 9-10 năm tù giam

19/08/2022, 16:00

Cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị VKS đề nghị mức án từ 9-10 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Minh bị đề nghị từ 29-30 năm tù.

Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương nhận lỗi, khuyên thuộc cấp dũng cảm nhận lỗi

Chiều 19/8, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa trong vụ án chuyển nhượng "đất vàng" sai quy định ở Bình Dương đã tiến hành đề nghị mức án với 28 bị cáo.

Trong đó, bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư tỉnh Bình Dương bị đề nghị từ 9-10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

img

Ông Trần Văn Nam tại phiên xét xử

Cùng tội danh, VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương từ 9-10 năm tù; bị cáo Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương 4-5 năm tù.

Với hai tội danh là "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và “Tham ô tài sản”, bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) bị đề nghị từ 29-30 năm tù. Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty 3/2 từ 24-26 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 năm tù đến 23 năm tù. Đồng thời, VKS đề nghị Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên trả lại diện tích đất hơn 1,4 triệu m2 cho Tỉnh ủy Bình Dương.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam và các đồng phạm bắt đầu tư ngày 15/8 và dự kiến sẽ kéo dài 20 ngày.

Trong vụ án này, ông Trần Văn Nam bị cáo buộc đã ký quyết định giao 2 khu đất 43ha và 145ha cho Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) vào năm 2012 nhưng lại áp giá thu tiền năm 2006; gây thất thoát cho nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

Tiếp đó, ông Trần Văn Nam bị cáo buộc đã mang 43ha đất đi góp cổ phần vào Công ty Tân Phú mà không xin phép chủ sở hữu. Sau khi Tổng công ty Bình Dương cổ phần hoá thì ông Nam đã chỉ đạo xử lý, sửa đổi và điều chỉnh lại văn bản.

Tại phiên toà, trong phần thẩm vấn, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã nhận trách nhiệm trong việc bán rẻ 43ha "đất vàng". Ông trình bày: "Tôi thấy mình đã thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi không chỉ đạo cấp dưới duyệt các văn bản liên quan đến khu đất 43ha hay hợp thức hoá các công văn, giấy tờ liên quan khu đất vàng".

Sau khi bản thân nhận lỗi, Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khuyên thuộc cấp cũng dũng cảm nhận lỗi "làm sai thì nhận, mình phải ngẩng đầu với bà con Bình Dương".

Sai phạm gây thất thoát cho nhà nước tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng

Theo cáo trạng, Tổng công ty 3/2 là doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh. Ông Minh và người thân còn lập các công ty "sân sau" gồm: Tân Thành, TNHH Phát triển, Đầu tư - Xây dựng Tân Phú.

Vào năm 2005, Tổng công ty 3/2 được tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương giao hơn 563ha đất dịch vụ trong khu liên hợp tỉnh để thực hiện các dự án. Cuối năm 2006, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đơn giá đất bình quân cho khu dịch vụ do Tổng công ty 3/2 làm chủ đầu tư là 51.914 đồng/m2.

Đến năm 2011, Tổng công ty 3/2 được giao 2 mảnh đất tại Khu liên hợp tỉnh, gồm 43ha đất xây khu dân cư Tân Phú và 145ha để xây sân golf, nghỉ dưỡng. Vào năm 2012, khi hồ sơ đến cơ quan thuế, bị can Lê Văn Trang, nguyên Cục trưởng Cục Thuế cùng thuộc cấp đã đề xuất đơn giá gần 51.914 đồng/m2 theo quy định năm 2006.

Nhóm bị can tại UBND tỉnh Bình Dương biết rõ cơ quan thuế lấy quy định của năm 2006 để áp cho năm 2012 là sai nhưng vẫn phê duyệt. Bị can Trần Văn Nam (ởthời điểm này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) biết sai nhưng vẫn giao đất. Hành vi này gây thiệt hại 761 tỷ đồng.

Từ năm 2015, khi Tổng công ty 3/2 bắt đầu phải cổ phần hóa, Tỉnh ủy Bình Dương ra văn bản yêu cầu chuyển khu đất 43ha nói trên về Công ty Impco; khu đất 145ha được yêu cầu phải giữ lại sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Minh thống nhất với con rể là Nguyễn Đại Dương cùng các đồng phạm bán trái phép bằng cách mang đi góp vốn liên doanh tại Công ty Tân Phú. Tổng công ty 3/2 góp 60 tỷ đồng vào Tân Phú, tương ứng 30% cổ phần; Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương góp 70% còn lại.

Sau đó, Nguyễn Văn Minh bán khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá 250 tỷ đồng. Tổng công ty 3/2 cũng bán nốt 30% cổ phần của mình tại Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương đã "thâu tóm" 43ha đất nhà nước với chi phí 411 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cáo buộc, giá trị khu 43ha tại thời điểm khởi tố vụ án năm 2019 là 1.335 tỷ đồng nên các bị can gây thiệt hại 984 tỷ đồng.

Đối với khu đất 145ha, bị can Nguyễn Văn Minh và con gái Nguyễn Thục Anh tìm cách thâu tóm bằng cách đưa cả 145 ha vào danh mục "tài sản chờ thanh lý" để không xác định giá trị quyền sử dụng đất. Khu đất sau đó được góp vốn vào Công ty Tân Thành rồi chuyển nhượng qua lại giữa các doanh nghiệp sân sau của Nguyễn Văn Minh. Tổng Công ty 3/2 chỉ thu về 442 tỷ đồng trong khi giá trị thực khu đất là 4.472 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cáo buộc, các bị can đã gây thiệt hại 4.030 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, sau khi không đưa 145ha vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo hoàn tất thủ tục để thay đổi quyền sử dụng đất từ Tổng công ty 3/2 sang tên Công ty Tân Thành. Như vậy, Công ty Tân Thành có giá trị 442 tỷ đồng, tương ứng hơn 16.000 đồng/cổ phần và Nguyễn Văn Minh biết rõ điều này.

Tuy nhiên, do cần 404 tỷ đồng trả nợ cho Tổng Công ty 3/2 nên bị can Minh quyết định để doanh nghiệp này mua 19% cổ phần của Tân Thành với giá 105.000 đồng/cổ phần. Từ đó, bị can Minh và con gái cùng các đồng phạm chiếm đoạt 815 tỷ đồng của nhà nước.

Như vậy, sai phạm trong cổ phần hóa nhằm thâu tóm 2 khu đất vàng đã gây thất thoát cho nhà nước tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.