Doanh nghiệp

Cựu CEO Trung Nguyên: Đặng Lê Nguyên Vũ bị hoang tưởng quyền lực?

09/08/2018, 22:52

Cựu CEO Trung Nguyên Đỗ Hoà nói ông thực sự lo lắng cho Đặng Lê Nguyên Vũ.

Ông Đỗ Hoà 1

Cựu CEO Trung Nguyên Đỗ Hoà

Mới đây, những dòng chia sẻ về Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ trên facebook cá nhân mang tên Đỗ Hòa đã lập tức nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi ông Hòa được biết đến là cựu CEO Trung Nguyên và nhiều tập đoàn, công ty lớn khác. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hòa xác nhận những chia sẻ đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội là của mình. Đó là những điều ông cảm nhận được trong thời gian ngắn làm việc tại Trung Nguyên.

Ông Hòa đồng ý để Báo Giao thông đăng tải bài viết này. 

TÔI TỪ BỎ NHIỀU THỨ, CHỌN TRUNG NGUYÊN

Vụ Trung Nguyên người ngoài cuộc sẽ khó mà hình dung được toàn bộ câu chuyện. 

Tôi xin chia sẻ hiểu biết và quan điểm của mình như sau:

Tôi quan tâm vụ này bởi vì một số lí do:

Khi quyết định chuyển từ giai đoạn làm việc cho các tập đoàn nước ngoài sang làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Nguyên là chọn lựa đầu tiên của tôi. Dù lúc ấy tôi cũng nhận được một số chào mời từ một số công ty khác với những sự hứa hẹn tốt hơn Trung Nguyên.

Tôi nhận lời về Trung Nguyên mà không mặc cả gì về thu nhập hay quyền lợi, tôi chỉ thương lượng về quyền hạn của mình mà tôi nghĩ là cần thiết để tôi có thể phát huy, đóng góp nhiều nhất cho Trung Nguyên.

So với mức thu nhập cao nhất mà tôi đã từng nhận ở công ty cũ, thì mức của Trung Nguyên chào mời tôi chỉ chưa bằng 1/2.

Ngoài ra các quyền lợi khác như tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe, nghỉ phép, phương tiện đi lại, tiếp khách... thì cũng không tốt bằng nơi cũ tôi làm...

Khi từ bỏ những thứ trên, để chuyển hướng sự nghiệp thì tôi đã xác định rằng yếu tố chính để tôi chọn nơi đến, thì phải là nơi mà tôi tin tôi có thể phát huy, đóng góp nhiều nhất cho doanh nghiệp, còn thu nhập hay quyền lợi là chuyện thứ yếu.

CEO ĐƯỢC GIAO LÀM TRƯỞNG BAN TRUYỀN ĐẠO

Nhưng rất tiếc là mọi thứ đã không xảy ra như tôi nghĩ. Vào Trung Nguyên ngoài việc bị hạn chế quyền hạn, tôi còn được giao những việc không dính dáng gì đến quản lý kinh doanh.

Tôi nhận ra rằng nơi đây không chỉ là một doanh nghiệp thuần túy, mà nó là sự tổng hợp của 3 hoạt động: tôn giáo, chính trị và kinh doanh, mà không được phân định rõ ràng.

Do Hoa

Cựu CEO Trung Nguyên; Tôi được yêu cầu phải làm thủ tục lạy trước bàn thờ đạo đặt ở một số điểm kinh doanh

Rồi chủ doanh nghiệp ở đây quyết định giao cho tôi làm Trưởng ban biên soạn giáo lý đạo cà phê, kiêm trưởng ban truyền đạo. Và tôi được yêu cầu phải làm thủ tục lạy trước bàn thờ đạo đặt ở một số điểm kinh doanh. Lúc ấy khi Trung Nguyên đi tham dự hội chợ thì bên cạnh gian hàng trưng bày sản phẩm, còn có thêm gian bàn thờ. Tôi quan sát thấy khách nước ngoài tò mò dòm ngó cái gian bàn thờ nhưng không dám bước vào mà chỉ đứng ngoài nhìn vào.

Nhìn cách trưng bày cái bàn thờ, tôi cũng dễ dàng đoán ra ý định của anh Vũ là đến thời điểm thích hợp thì anh ta sẽ thay hình hạt cà phê bằng hình mình, để mọi người sẽ lạy mình.

Tôi nghĩ người bên ngoài hẳn cũng ngạc nhiên khi anh Vũ ra sách về danh nhân văn hóa Việt, trong đó có Đặng Lê Nguyên Vũ. Rồi sau đó lại nghe về "thánh địa cà phê toàn cầu"...

Nhưng với tôi và những người đã từng tham gia Trung Nguyên thì câu chuyện tâm linh của anh Vũ là một chuỗi sự kiện, đi từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài... (sách lược Tôn Tử, mà anh Vũ vẫn lấy làm chiến lược dẫn dắt Trung Nguyên), và tham vọng ấy ngày càng được đẩy lên cao dần. Nó đi từ thương hiệu cà phê số 1 của Việt Nam, đến cà phê đạo của người Việt, đến tự phong vua cà phê, rồi đến doanh nhân văn hóa Việt Nam, và sau đó thì mở ra cả thế giới với thánh địa cà phê toàn cầu, và gần đây là câu chuyện thiền và sự kiện "thông linh", được bề trên tối cao giao trọng trách chăn dắt nhân loại, trở thành một tôn giáo duy nhất là trung tâm của tất cả các tôn giáo khác với sứ mệnh "cứu nhân loại".

Ông Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, người được mệnh danh là “CEO chuyên nghiệp”, từng là nguyên Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Shell, sau đó làm CEO Trung Nguyên, Kềm Nghĩa...

Ông cũng được đánh giá là một nhà quản trị giàu kinh nghiệm, bộc trực, thẳng thắn và sắc sảo. 

Rõ ràng đây không còn là một doanh nghiệp hoạt động đúng nghĩa như một doanh nghiệp kinh doanh, mà nó là một tôn giáo. Việc kinh doanh chỉ nhằm để kiếm tiền phục vụ cho sự phát triển tôn giáo, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo ra quyền lực cá nhân. Ai cũng có thể nhìn rõ điều này ở thông điệp Vision của Trung Nguyên, mục tiêu bao nhiêu tỉ đô la doanh thu thì cũng không bao giờ cao bằng "cứu loài người". Vậy xin đừng nhìn Trung Nguyên như là một doanh nghiệp, cũng đừng dùng các tiêu chuẩn, thước đo của doanh nghiệp thường thấy để đánh giá về Trung Nguyên. Và do vậy cũng không nên xem xét anh Vũ dưới góc độ một doanh nhân.

Vậy nếu không là doanh nghiệp mà là một tôn giáo, thì cái ý đồ cà phê đạo này có gì hay để mà có thể trở thành hiện thực? Lý luận của cà phê đạo có gì hay hơn đạo Phật, Thiên Chúa, Hồi giáo, Hindu... để có thể thu hút được follower? Còn bản thân người "được thượng đế tối cao trao quyền" này có tài năng gì đặc biệt, có tư duy gì nổi bật để mà có thể dẫn dắt cả nhân loại?

Tôi theo dõi diến biến của Trung Nguyên từ hơn 10 năm qua và thú thật là tôi chưa thấy câu trả lời cho những câu trên.

Một hai năm thì còn nói phải chờ vì cần có thời gian, chứ hơn 10 năm rồi mà trong khi mục tiêu nhỏ (cà phê đạo Việt Nam) còn chưa làm được, vị trí số vua cà phê Việt Nam thì đang lung lay ( đi từ số 1 của toàn thị trường giảm dần xuống còn số 1 của một vài phân khúc), sự đoàn kết trong nội bộ thì cũng đã suy yếu đi nhiều, mà trong khi đó mục tiêu thì đẩy lên cao hơn, cao đến tột đỉnh là thống lĩnh toàn nhân loại. Thì rõ ràng là có sự vênh rất lớn giữa những gì muốn đạt được với năng lực thực tế, giữa nói được và làm được là cả một khoảng cách quá xa.

ANH VŨ VÀ TRUNG NGUYÊN CẦN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ

Với tôi thì kết quả phản ảnh năng lực của người đứng đầu. Không thể có lí do gì khác để biện minh ngoài sự hạn chế về năng lực. Bản thân tôi đã từng xem qua một số tài liệu mà anh Vũ viết ra, đã từng trực tiếp nói chuyện, tranh luận với anh Vũ, và tôi thấy khi đi vào những vấn đề cụ thể thì anh Vũ không có gì đặc biệt. 

Hơn nữa, dù rất muốn có quyền lực mang tính thống trị như là giáo chủ một tôn giáo, nhưng bản thân ảnh lại dường như cũng không biết nên dùng lý luận nào để thu hút và dẫn dắt tín đồ. Chính vì vậy nên ảnh mới yêu cầu người khác viết giúp (tôi đã từng được giao việc này) mà không đưa một định hướng hay gợi ý gì.

Vậy một người chỉ toàn nói những điều to lớn, những điều siêu phàm nằm ngoài khả năng của mình, một người mà không ai dám chắc có thể hiểu được (kể cả người nhà), thì là người như thế nào? (tại buổi xuất hiện gần đây nhất, khi phát biểu, anh Vũ cũng nói rằng những người gần ảnh không hiểu được ảnh).

Theo tôi thì anh Vũ bị bệnh hoang tưởng về quyền lực (một dạng tâm thần phân liệt), và diễn biến bệnh càng ngày càng nặng. Anh ấy cần được giúp đỡ! Công ty Trung Nguyên cần được giúp đỡ để có thể thoát ra khỏi crisis (khủng hoảng) này!

(Các tiêu đề được tòa soạn đặt) 

Từ cuối năm 2015, mâu thuẫn trong gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã lên đến cao trào. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị bãi nhiệm Phó Tổng giám đốc thường trực tập đoàn, chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, TGĐ ở một loạt công ty con... 

Bà Thảo kiện ra tòa và liên tục thông tin về tình trạng sức khỏe bất thường của chồng mình. Mới đây nhất, bà Thảo đã gửi đơn cầu cứu lãnh đạo cấp cao của Việt Nam "hãy cứu lấy 1 thương hiệu quốc gia, 1 doanh nghiệp có hàng ngàn lao động. Quan trọng hơn cả, xin hãy cứu lấy 1 mạng người là chồng tôi".

Cách đây 1 tuần, trên mạng xã hội lại xuất hiện một clip ngắn cho thấy ông Vũ có những biểu hiện không tỉnh táo, bất thường tại một cuộc bàn việc định giá và phân chia tài sản khi ly hôn. Tuy nhiên, Trung Nguyên không có động thái nào bác bỏ những thông tin này.

Cách đây 2 tháng, Chủ tịch Trung Nguyên bất ngờ xuất hiện tại một sự kiện của tập đoàn sau 5 năm ở ẩn trên núi, gây xôn xao dư luận. Đặng Lê Nguyên Vũ xưng "Qua" với nhân viên và yêu cầu bộ phận đào tạo, truyền thông nên có những buổi dẫn dắt mọi người thấu hiểu sâu hơn những sách lược của Trung Nguyên, để có thể thấu suốt những điều này thì mới có được những nội lực mới".

Nhiều người lo ngại, trước tình hình này, Trung Nguyên sẽ khó giữ được mức tăng trưởng của một thương hiệu quốc gia đã được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, năm nay, Trung Nguyên lần đầu tiên được Forbes Việt Nam xếp vị thứ 32 trong TOP 40 doanh nghiệp có giá trị nhất Việt Nam. Forbes Việt Nam định giá Tập đoàn Trung Nguyên ở mức 42 triệu USD.

Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên (công ty mẹ) duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2009 - 2013 và giữ ổn định từ năm 2014 đến 2016. Trong 3 năm này, doanh thu thuần của TNG đạt trên 3.800 tỉ đồng mỗi năm với lợi nhuận quanh mốc 800 tỉ đồng. 

N.A

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.