Ngày 27/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 đồng phạm. Các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo.
Hành vi của bị cáo Nhàn nằm trong chuỗi sai phạm của đoàn thanh tra
Bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, luật sư cho rằng mức án Viện kiểm sát đề nghị chung thân với tội danh nhận hối lộ là quá nghiêm khắc. Luật sư đề nghị hội HĐXX xem xét xác định tội danh phù hợp cho bị cáo Nhàn.
Theo luật sư, hành vi của bị cáo Nhàn nằm trong chuỗi sai phạm của đoàn thanh tra. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) là người ra quyết định thanh tra, chịu trách nhiệm báo cáo với NHNN và Chính phủ về kết quả. Khi bị cáo Hưng chỉ đạo thì bà Nhàn chỉ đạo lại các thành viên khác.
Sau khi thanh tra, thành viên tổ công tác báo cáo kết quả cho bà Nhàn để nộp lại cho ông Hưng đưa ra quyết định cuối cùng.
Hành vi của các bị cáo trong đoàn thanh tra là một vòng khép kín, thế nhưng chỉ riêng Nhàn bị truy tố tội nhận hối lộ, có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình, là "quá cao, không công bằng đối với bị cáo".
Luật sư cho rằng cần xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh đưa bị cáo Nhàn vào vòng lao lý và không có căn cứ về sự trao đổi, bàn bạc về việc đưa và nhận tiền giữa bà Đỗ Thị Nhàn và bà Trương Mỹ Lan.
"Bà Nhàn nhận tiền sau khi kết thúc thanh tra. Lúc đó, đoàn thanh tra đã ký biên bản làm việc với Ngân hàng SCB, trách nhiệm thanh tra đã hoàn thành. Việc chỉnh sửa số liệu trong báo cáo, bị cáo Nhàn nhận chỉ đạo từ cấp trên trực tiếp như cáo trạng nêu", luật sư trình bày.
Luật sư cũng trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nhàn như thành khẩn khai báo, hợp tác cơ quan điều tra, khắc phục hậu quả... Từ đó, đề nghị xem xét lại tội danh và xem xét mức hình phạt đối với bị cáo Nhàn.
Sút 19kg từ khi bị tạm giam
Tự bào chữa, bị cáo Nhàn bày tỏ ăn năn hối cải, cho biết đã chuộc lại lỗi lầm bằng cách thành khẩn khai báo, tích cực hỗ trợ cơ quan điều tra giải quyết vụ án.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho rằng vô cùng ân hận, xấu hổ về hành vi làm trái công vụ của mình và cảm thấy dằn vặt, xấu hổ cho bản thân, gia đình.
Bị cáo mong HĐXX ghi nhận những vấn đề và tình tiết giảm nhẹ như luật sư nêu, xem xét cho hưởng khoan hồng trên tinh thần nhân văn, nhân đạo và "tấm lòng bao dung rộng lượng, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại".
"Bị cáo giảm 19kg vì hai cú sốc mất mẹ, tang hiếu của mẹ chưa tròn mà bị bắt, xuất hiện tai biến, những cơn đau tim liên tục...", bà Nhàn trình bày.
Cáo trạng xác định, trong thời gian thanh tra, với tư cách là trưởng đoàn, bà Nhàn đã nhiều lần nhận tiền từ Ngân hàng SCB thông qua Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT, đang bỏ trốn), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) và Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của Văn) với tổng số tiền lên tới 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng).
Cụ thể, khoảng tháng 3/2018, Thành và Văn ra Hà Nội, lên phòng làm việc của bà Nhàn ở cơ quan, đưa cho bà này một túi trái cây và một túi đựng 200.000 USD. Đỗ Thị Nhàn nhận tiền rồi mang cất ở nhà.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2018, giai đoạn dự thảo kết luận thanh tra, xin ý kiến các bộ, ngành và sau đó ban hành kết luận thanh tra tại SCB, Văn và Nguyễn Nam Tuấn 3 lần mang các thùng xốp đựng tiền USD để đưa cho Đỗ Thị Nhàn. Tổng cộng thêm 5 triệu USD.
Sau mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, bà Nhàn hỏi thì được cho biết tiền này là của Trương Mỹ Lan cảm ơn vì đã giúp và hỗ trợ SCB trong quá trình thanh tra. Nhận tiền, bà Nhàn cho vào thùng khác, cất giấu trong phòng ngủ.
Khoảng tháng 12/2022, Đỗ Thị Nhàn chia số tiền thành 2 phần, mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Số tiền còn lại, Nhàn cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai, cất trong phòng ngủ rồi khóa tủ và cầm chìa khóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận