Trong nhiều tháng gần đây, quân đội Mỹ liên tục điều động phương tiện và lực lượng của mình để thách thức các tuyên bố và đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, nơi được xem là một trong tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới và giàu tài nguyên thiên nhiên.
Cụ thể, hồi tháng 7, Hải quân Mỹ điều động hai tàu sân bay hạt nhân cùng các tàu khu trục của mình cơ động gần Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện do quân đội Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và tiến hành các cuộc tập trận đơn phương cũng như thao dượt với các đồng minh và đối tác của Washington (như Australia, Nhật Bản...).
Ngoài ra, vào tháng 8 vừa qua, quân đội Mỹ đã điều tàu khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin cơ động vào ngay gần khu vực quân đội Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận phi pháp ở phía Bắc Quần đảo Trường Sa, trong khi Trung Quốc tiến hành bắn các tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D và Đông Phong 26B.
Quân đội Mỹ cũng điều động các máy bay do thám hoạt động gần nơi quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trong khu vực này.
Động thái của Washington được xem như một hành động nâng cấp thách thức nhằm vào các tuyên bố đòi chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh sau tuyên bố bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại khu vực này được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát đi vào trung tuần tháng 7/2020.
Trong bối cảnh đó, nhiều trang báo ở Mỹ và châu Á dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự cho rằng, trong khi Trung Quốc không từ bỏ yêu sách đòi “chủ quyền” đối với toàn bộ diện tích Biển Đông, từng nhiều lần tuyên bố sẽ “bảo vệ đến cùng” cái mà Bắc Kinh cho là “giá trị cốt lõi” ở khu vực thì Mỹ liên tục gây sức ép ở cường độ cao – điều này có thể dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố áp đặt cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) trên Biển Đông” để tạo “cơ sở” để ngăn chặn Mỹ cũng như kiểm soát các phương tiện trên không (kể cả quân sự lẫn dân sự) của các nước trong khu vực.
Đem vấn đề này tham khảo nhận định của ông Nguyễn Trường Giang – cựu Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao), phóng viên của Báo Giao Thông đã nhận được đánh giá của nhà ngoại giao luôn canh cánh và rất tâm huyết với tình hình biển đảo của nước nhà.
Theo cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang, quyết tâm thành lập “Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông” của Trung Quốc là hiển nhiên và nước này sẽ không từ bỏ ý định này.
Tuy nhiên, nhà cựu ngoại giao này cho rằng, dù quyết tâm của Trung Quốc là không thay đổi nhưng Trung Quốc có tuyên bố thành lập được hay không, thậm chí khi tuyên bố lập AIDZ trên Biển Đông được rồi Bắc Kinh có duy trì được nó không lại là một chuyện khác.
Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập AIDZ trên Biển Đông vào thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế ở khu vực cũng như khả năng hóa giải, đối mặt với hậu quả của Bắc Kinh đối với hành động này.
Nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông của Việt Nam cho rằng ở thời điểm này Trung Quốc sẽ chưa tiến hành tuyên bố thành lập cái gọi là AIDZ trên Biển Đông bởi hậu quả mà nước này sẽ phải gánh chịu là rất lớn.
Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Trường Giang, tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa (chủ quyền của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và một số thực thể, đảo nhân tạo (mà Trung Quốc đã chiếm giữ, đảo hóa phi pháp) ở khu vực Quần đảo Trường Sa, thực tế là Trung Quốc đã bố trí các hệ thống cảnh báo, kiểm soát các phương tiện đường không cũng như các hệ thống hỏa lực phòng không – những yếu tố và thành phần cơ bản để hình thành AIDZ sau này.
Không chỉ có vậy, theo vị cựu Đại sứ, Trung Quốc cũng đã tiến hành nghiên cứu, bố trí các hệ thống kỹ thuật quân sự để kiểm soát các vùng nước trên mặt biển (kiểm soát tàu nổi), trong lòng biển (kiểm soát tàu lặn, tàu ngầm) và thậm chí là ở trong lòng đất dưới đáy biển.
Báo SCMP hôm 31/5/2020 dẫn nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông" từ năm 2010 và chỉ chờ cơ hội tuyên bố". ADIZ dự kiến bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Trước đó, năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp quần đảo Senkaku. Động thái này đã bị Nhật, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới chỉ trích quyết liệt. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận