Ngày 30/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm) về tội tham ô tài sản và rửa tiền.
Trả lời xét hỏi của luật sư, bị cáo Quân khai việc vợ đứng tên Công ty Ngọc Đạo để chứng minh các khoản tiền cho con đi học…
Việc mua bán các tài sản gồm thửa đất ở phường Linh Xuân và hai biệt thự nêu trên đều do ông Quân quyết định, không bàn bạc gì với vợ. Theo ông Quân, khi đã quyết định mua, ông nhờ Nguyễn Văn Lợi vì Lợi rất rành thủ tục.
"Trong gia đình người quyết định mua bán là tôi. Vợ tôi không hỏi và thường không quan tâm đến tiền bạc", bị cáo Quân trình bày.
Cũng tại phiên toà, phía bị hại là Bệnh viện TP Thủ Đức yêu cầu bồi thường số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt là hơn 103 tỷ đồng.
Sự việc xảy ra là đáng tiếc, các bị cáo là nhân viên của bệnh viện, mong HĐXX xem xét các tình tiết, công lao, thành tích của các bị cáo trong suốt thời gian qua và mong HĐXX cho các bị cáo được án nhẹ.
Tại phiên toà, HĐXX thông báo mới nhận được đơn xin gặp mặt bị cáo Quân từ người mẹ 76 tuổi của bị cáo. Nội dung đơn thể hiện mẹ bị cáo muốn gặp con để động viên, thăm hỏi.
HĐXX cho phép bị cáo Nguyễn Minh Quân được gặp mặt 15 phút dưới sự giám sát của thư ký phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát, lực lượng công an... Đồng thời, nội dung cuộc gặp gỡ sẽ được ghi biên bản và gửi cho HĐXX.
Theo lý lịch bị can, mẹ của bị cáo Nguyễn Minh Quân đã 76 tuổi. Trước đó, tại phần làm thủ tục, bị cáo Quân cũng cho biết cha của bị cáo đã mất khi bị cáo bị bắt tạm giam.
Theo cáo trạng, để can thiệp thâu tóm toàn bộ gói thầu, Nguyễn Minh Quân (lúc này là Giám đốc BV Thủ Đức) đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi (người làm thuê cho vợ chồng Quân) thành lập các công ty sân sau, có tên là các công ty Nguyễn Tâm, Trung Dung, Thanh Vương SG và Ngọc Đạo.
Quân chỉ đạo Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty này để nâng giá thiết bị máy móc.
Sau đó, Lợi sử dụng ba công ty trong nhóm bốn công ty trên để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống. Khi làm hồ sơ tham gia đấu thầu, Lợi cố tình làm một hồ sơ có tiêu chí tốt hơn các bộ còn lại, mục đích để chọn công ty trúng thầu.
Cáo trạng cũng xác định bị cáo Quân đã lợi dụng vị trí giám đốc, người đứng đầu bệnh viện để chỉ đạo, gây sức ép với nhân viên dưới quyền; đã "thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu".
Từ năm 2016 đến năm 2020, nhóm bốn công ty do Lợi quản lý đã tham gia đấu thầu và trúng 27/28 gói thầu tại BV Thủ Đức, tổng giá trị hơn 345,2 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí, số tiền Quân chiếm đoạt là 103,6 tỷ đồng.
Để che giấu nguồn tiền đã chiếm đoạt, Quân chỉ đạo Lợi rút tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản của Quân và bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ bị cáo Quân) hoặc chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của công ty.
Cáo trạng cũng xác định bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm đã yêu cầu Lợi chuyển hơn 67,9 tỷ đồng cho mình. Trong đó, Quân và Diễm sử dụng 51,7 tỷ đồng mua bất động sản, sắm xe sang...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận