Pháp đình

Toà phúc thẩm giữ nguyên mức án 10 năm tù đối với cựu Giám đốc CDC Hà Nội

24/06/2021, 17:36

Dù hàng trăm bác sỹ có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu giám đốc CDC Hà Nội nhưng không được TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận.

img

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội bị Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên án 10 năm tù giam

Chiều 24/6, HĐXX phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) đã tiến hành tuyên án với các bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm – nguyên Giám đốc CDC, Nguyễn Vũ Hà Thanh – nguyên Trưởng phòng Tài chính CDC, Nguyễn Thị Kim Dung - cựu Trưởng phòng Tổ chức CDC, Đào Thế Vinh – Giám đốc Cty MST, Nguyễn Trần Duy - Tổng giám đốc Cty định giá và bán đấu giá Nhân Thành, Nguyễn Ngọc Quỳnh - cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC.

Theo cáo trạng, CDC Hà Nội được cấp kinh phí để mua sắm gói thầu số 15 gồm máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tháng 2/2020, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội đã có ý định vụ lợi cá nhân, bị cáo đã câu kết với các bị cáo khác, thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu theo thông thường.

Ông Cảm câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy – Giám đốc Công ty đấu giá Nhân Thành để gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.

Sau đó, bị cáo này đã chỉ đạo và giao nhân viên dưới quyền thuộc CDC hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Công ty MST trúng thầu với giá hơn 9,5 tỷ đồng. Trên thực tế, số thiết bị này chỉ có mức giá là 4,1 tỷ đồng, cho nên các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định: Hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực chống dịch.

Các tình tiết giảm nhẹ như: Quá trình điều tra, các bị cáo thành khẩn, gia đình bị cáo có công với đất nước, quá trình công tác có nhiều thành tích. Các bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt. Những tình tiết này, tòa án cấp sơ thẩm đã cho các bị cáo hưởng đầy đủ.

HĐXX phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của 6 bị cáo, do đó tuyên án giữ nguyên mức án như cấp sơ thẩm.

Cụ thể, các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, lãnh án như sau:

Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên án 10 năm tù giam.

Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng lãnh 6 năm 6 tháng tù.

Nguyễn Trần Duy (tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội) nhận 6 năm tù.

Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) lãnh 5 năm tù.

Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm

Trước đó, sau khi khép lại phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án này.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, xét nội dung kháng cáo cũng như xét các tài liệu, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhận thấy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) là người chịu trách nhiệm chính trong việc đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường.

Bị cáo đã trực tiếp ký các quyết định thành lập, phê duyệt thủ tục chỉ định thầu không đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và những quy định khác của Chính phủ.

Các bị cáo còn lại cùng nhau thống nhất hoàn tất hồ sơ để thực hiện việc đấu thầu không đúng quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, lựa chọn nhà thầu khi chưa có thẩm định giá, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu; các bị cáo còn lại báo cáo sai, không trung thực, làm sai lệch kết quả, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đối với bị cáo Đào Thế Vinh là người đã có hành vi gian lận cung cấp báo giá hồ sơ thầu, không thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu, cố ý cung cấp thông tin không trung thực để đề xuất làm sai lệch kết quả. Hành vi của bị cáo góp phần gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỉ đồng.

Tòa cấp sơ thẩm kết án các bị cáo với hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là không oan.

Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, theo Viện Kiểm sát, bị cáo Cảm có vai trò cao nhất, là người khởi xướng. Xét các tình tiết giảm nhẹ, Viện Kiểm sát nhận thấy bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn; bị cáo được nhiều đồng nghiệp xin giảm nhẹ hình phạt…

Tuy nhiên, bị cáo Cảm đã chỉ đạo các bị cáo dưới quyền thực hiện hành vi sai trái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, mức án 10 năm tù mà Tòa sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, là mức thấp nhất của khung hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nhận được rất nhiều đơn xin giảm nhẹ cho mình nhưng xét thấy chưa có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Đào Thế Vinh có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỉ đồng; bị cáo đã hoàn toàn tự nguyện nộp lại số tiền trên; có nhân thân tốt, ăn năn hối cải nên Tòa sơ thẩm đã tuyên mức án phù hợp, có căn cứ. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo cũng chưa xuất trình được thêm các chứng cứ giảm nhẹ khác.

Với bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Nhật Cảm, gian lận, giả mạo hồ sơ, ký các tài liệu liên quan trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại hơn 5 tỉ đồng.

Quá trình điều ra và xét xử, các bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối cải, phạm tội lần đầu với vai trò giúp sức, có quan hệ phụ thuộc, làm công ăn lương, chấp hành nhiệm vụ, không vì động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi cho bản thân. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ, tuyên phạt các bị cáo ở mức án khác nhau nhưng đều dưới khung hình phạt của pháp luật quy định.

Hành vi của bị cáo Nguyễn Trần Duy góp phần gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; bị cáo cũng đã khai báo thành khẩn; trong phiên phúc thẩm bị cáo cũng chưa xuất trình được thêm các tài liệu, chứng cứ mới. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo nêu trên, giữ nguyên mức án sơ thẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.