Pháp đình

Cựu lãnh đạo Khánh Hòa khai gì tại phiên tòa?

05/04/2022, 14:51

Cựu Chủ tịch Khánh Hòa thừa nhận sai phạm còn cựu Giám đốc Sở TN&MT cho biết chỉ làm theo chỉ đạo.

Sáng 5/4, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc.

HĐXX thực hiện việc xét hỏi nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa, bị cáo Lê Mộng Điệp.

img

Bị cáo Lê Mộng Điệp (bên phải) và bị cáo Nguyễn Chiến Thắng trong phiên xét xử sáng 5/4

Làm theo chỉ đạo

Việc xét hỏi xoáy quanh việc ông Lê Mộng Điệp ký 3 tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định cấp, giao đất trái pháp luật tại dự án Cửu Long Sơn Tự.

3 tờ trình gồm: Ngày 9/7/2012, ông Lê Mộng Điệp ký văn bản số 278 đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao 123,28 ha đất cho Công ty Khánh Hòa để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - khu B. Trong đó, đất rừng sản xuất 81 ha, đất khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất 32,53 ha, đất nông nghiệp khác 8,1 ha, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 1,74 ha.

Ngày 30/6/2014, ông Điệp ký văn bản số 560B đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 513 ha đất (tăng 390,25 ha so với diện tích ban đầu là 123,28 ha) có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa.

Đến ngày 9/4/2015, ông Điệp ký tờ trình số 198 thẩm định hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh nội dung quyết định giao đất tháng 6/2014 và 4/2015.

img

Khu vực núi Chín Khúc, nơi triển khai dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung

Giải thích về việc ký loạt quyết các tờ trình này, bị cáo Điệp cho biết việc này nhằm bảo vệ rừng, không phải để kinh doanh. Tính pháp lý được ông Điệp căn cứ vào quy hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. “Trong tờ trình của Chi cục Quản lý đất đai có nhiều nội dung nên bị cáo không đọc hết. Bị cáo bám vào công văn của tỉnh, tờ trình của Chi Cục quản lý đất đai để ký tờ trình cho mở rộng diện tích ở dự án Cửu Long Sơn Tự”, ông Điệp nói.

Tuy nhiên, HĐXX chỉ ra rằng trong văn bản tham mưu và quyết định giao đất, ngoài đất trồng rừng còn có nhiều loại đất khác. HĐXX cho rằng Nghị định 46 của Chính phủ có hiệu lực áp dụng đến 2010, trong khi dự án Cửu Long Sơn Tự được làm thủ tục, giao đất, dự án trong giai đoạn 2012-2015. “Đến tháng 4/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 52, vậy bị cáo ký các tờ trình đề nghị giao đất căn cứ vào tính pháp lý nào?”, HĐXX truy vấn.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Mộng Điệp nhiều lần nhắc lại việc ký 3 tờ trình liên quan dự án Cửu Long Sơn Tự là làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa. Bị cáo thừa nhận một số tờ trình do bị cáo ký, do nhận thức tại thời điểm đó đúng, tuy nhiên theo quy định pháp luật là chưa đúng. Chính bị cáo ngộ nhận.

“Bị cáo tưởng Công ty Khánh Hòa đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi và tin tưởng dự án có sự chỉ đạo của UBND tỉnh nên ký tờ trình 560B”, ông Điệp trả lời.

img

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng trong phiên xét xử ngày 4/4

Cựu Chủ tịch thừa nhận sai phạm

Ngày hôm qua (4/4), ngày đầu của phiên xét xử, sau khi đọc xong cáo trạng, HĐXX tập trung làm rõ các sai phạm liên quan cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng. Ông Thắng đã ký nhiều văn bản liên quan đến sự án.

Sau khi nhận được tờ trình đầu tiên từ Sở TN&MT, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng đã ký quyết định giao 123,28 ha đất cho Công ty Khánh Hòa thời hạn thuê 50 năm.

Ngày 23/6/2014, Công ty Khánh Hòa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cho mở rộng dự án lên hơn 513 ha. Ba ngày sau, ông Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản đồng ý chủ trương, trong đó giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 137 ha, miễn tiền sử dụng đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng diện tích gần 373 ha.

img

Cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản đồng ý chủ trương mở rộng dự án lên 513ha, trong đó giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 137 ha, miễn tiền sử dụng đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng diện tích gần 373 ha.

Ngày 14/3/2015, Công ty Khánh Hòa có văn bản đề nghị về việc xin điều chỉnh diện tích sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tăng thêm 1,7 ha. Ngày 25/3/2015, cựu Chủ tịch Khánh Hòa ký văn bản đồng ý chủ trương cho điều chỉnh tăng diện tích đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp ở dự án trên.

Về việc giao 513 ha khi doanh nghiệp chưa điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, sai quy hoạch, trái với kế hoạch sử dụng đất, ông Thắng giải thích đây là suy nghĩ “cảm tính” vì đây là đất đồi núi trọc, núi đá; doanh nghiệp xin giữ để chăm sóc là việc làm rất quý. Ông Thắng cũng là người có ý kiến miễn thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

"Tuy nhiên sau đó tôi nghỉ hưu. Sau này các cơ quan miễn thuế tôi thấy mình không liên quan", bị cáo nói.

Về việc ký quyết định tăng tổng diện tích cho dự án Cửu Long Sơn Tự lên 513 ha, trong đó có đất sản xuất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn, ông Thắng thừa nhận sai về việc ký quyết định cho tăng diện tích dự án trước khi có quyết định điều chỉnh chứng nhận đầu tư dự án.

"Các vấn đề liên quan đến dự án tôi đều giao cho Sở TN-MT kiểm tra, tham mưu và tôi đều tin tưởng. Còn vì sao có quyết định giao đất trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư bởi tôi không có năng lực để biết được việc đó. Vả lại ngày tháng, số văn bản đều do văn phòng ghi vào chứ tôi không biết, tôi chỉ ký thôi" bị cáo Thắng biện minh.

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc.

7 bị cáo gồm: 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh; cựu Phó chủ tịch tỉnh Đào Công Thiên; 2 cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường là Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái; cựu Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dẽ, cùng Trần Văn Hùng - cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và môi trường.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.