Cựu chiến binh Phạm Văn Phận đang lật giở những trang tài liệu ghi thông tin của hơn 50 đồng chí,đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến Tam Quan 16/4/1972 |
Đã 45 năm trôi qua nhưng ký ức về trận đánh ác liệt vào quận lỵ Tam Quan ngày 16/4/1972 cướp đi sinh mệnh của 50 lính đặc công tinh nhuệ vẫn in sâu trong ký ức ông Phạm Văn Phận (SN 1952) - người chiến sỹ may mắn sống sót.
Trận Tam Quan ác liệt năm xưa
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về khu dân cư Bình Giang, phường Phả Lại, TX Chí Linh, TP Hải Dương, nơi cựu chiến binh Phạm Văn Phận sinh sống và công tác sau thời gian từ chiến trường trở về năm 1976.
Lật những trang thơ viết về đồng đội, về đời lính trong những năm tháng kháng chiến, ông Phận giọng run lên vì xúc động: “Những năm tháng ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi đã gặp bao người anh, người bạn và người em. Tất cả đều đang ở độ tuổi xuân xanh với niềm rạo rực, ước mơ và ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Những con người xa lạ bỗng trở nên gần gũi, thân thương chỉ sau một ngày kề vai sát cánh chiến đấu. Ấy vậy mà, trận đánh hôm đó đã cướp đi sinh mệnh của hơn 50 lính đặc công tinh nhuệ, để rồi họ trở thành những liệt sỹ vô danh, không ai biết đến…”.
Chia tay chúng tôi, ông Phận chia sẻ, rất mong thông tin về những người đồng đội của mình sẽ được nhiều người biết đến, để rồi đây các anh sẽ được gặp lại những người thân trong gia đình mình. Và ông cũng mong muốn, tấm bia khắc tên những đồng đội của ông một ngày nào đó không xa sẽ không còn là dòng chữ “Chưa biết tên”, đơn vị chiến đấu sẽ là Tiểu đoàn Đặc công 403 tinh nhuệ, đầy tự hào, ngày hi sinh sẽ được trở lại đúng ngày 16/4/1972. |
Những năm 70 của thế kỷ trước, cách đây 45 năm, họ là những chiến sỹ tinh nhuệ của Tiểu đoàn đặc công 403, Quân khu 5 hoạt động tại Quảng Ngãi và Bình Định. Những địa danh: Tam Quan, An Đỗ, Dốc ĐK, sông An Lão, cánh đồng Sa Lung, Ba Tơ, Phổ Thạnh, cảng Sa Huỳnh… đều in dấu chân và là nơi chứng kiến sự trưởng thành trong kháng chiến của những người lính này. Cũng tại mảnh đất Tam Quan ấy, 50 người đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống sau trận chiến ác liệt ngày 16/4/1972.
Với cựu chiến binh Phạm Văn Phận, ký ức về trận chiến đó vẫn còn vẹn nguyên. Thời điểm đó, sau khi ông cùng đồng đội đi trinh sát chuẩn bị chiến trường ở Tam Quan trở về hậu cứ ăn Tết xong thì đơn vị được lệnh đánh vào giải phóng quận lị Tam Quan đêm 15 rạng sáng ngày 16/4/1972.
Tối 14/4/1972, đơn vị ông bắt đầu hành quân từ thượng nguồn sông An Lão, sau 1 ngày thì về đến quận lị Tam Quan rồi chia làm 8 mũi ở 8 hướng đồng loạt tiến hành khắc phục chướng ngại vật nhằm chui sâu vào trận địa. Lệnh của quân khu là 2h sáng ngày 16/1972 nhân lúc địch ngủ say, mất cảnh giác sẽ bất ngờ tràn vào nổ súng tấn công tiêu diệt.
“Thế nhưng, đến 1h05 sáng 16/4/1972 (sớm hơn 55 phút so với kế hoạch), trong khi đang khắc phục chướng ngại vật thì mũi tấn công của tôi bị vướng phải mìn. Tiếng nổ vang trời, chấn động cả một vùng. Ngay phía trên cửa hầm, quân địch thi nhau nã đạn. Biết kế hoạch đã bị lộ nhưng ai nấy đều cố gắng trấn tĩnh, men theo đường hầm quay lại tìm sang mũi tấn công khác để tiến vào trận địa chiến đấu. Trận nổ mìn may mắn không ai bị thương nhưng cả trận chiến đó, đơn vị tôi thương vong quá lớn, hơn 50 cán bộ và chiến sỹ trong đó có toàn bộ ban chỉ huy tiểu đoàn hy sinh…”, kể đến đây, mắt ông đỏ hoe.
Ông tâm sự, không ngày nào ông không nghĩ về khoảnh khắc ấy khi thi thể đồng đội nằm la liệt tại trận địa, trên người chỉ có chiếc quần đùi mỏng manh mà bản thân ông dù rất muốn nhưng không thể làm gì được. “Đau xót lắm! Sau trận chiến, chỉ còn tôi và một vài chiến sỹ khác may mắn sống sót phải lui về trong rừng để bảo toàn lực lượng. Trên đường rút lui, không ai bảo ai, tất cả đều lặng im, không trông mặt nhau nhưng tôi biết gương mặt mỗi người đều đang nhòe đi vì lệ”.
2 ngày sau đó, địch lấn chiếm lại quận lị Tam Quan và mang đồng đội ông ra phơi xác trên đường 1A. Sau khi bà con Tam Quan đứng lên biểu tình, đấu tranh kiên quyết suốt 3 ngày đêm, chúng mới chịu thương lượng cho đào 1 hố chôn tập thể. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, đơn vị ông đã cử người về bốc hài cốt các anh chia thành từng người và đưa vào nghĩa trang liệt sỹ. Thế nhưng, quá trình di chuyển, mảnh giấy ghi tên các anh bị thất lạc và các anh đã trở thành những liệt sỹ vô danh cho đến tận bây giờ.
Hành trình tìm lại tên cho đồng đội
Năm 1974, bị thương nặng trong chiến đấu, ông Phận được chuyển ra miền Bắc an dưỡng tại Trại thương binh Chí Linh, Hải Dương. Rồi ông về công tác ở Nhà máy thủy tinh Phả Lại và lập gia đình. Cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc khi đàn con cháu của ông lần lượt ra đời, cuộc sống đều đã ổn định: Người làm việc trên Hà Nội, người công tác ở nước ngoài.
“Sau khi nghỉ hưu, tôi với vợ mở quán hàng tạp hóa nhỏ tại nhà vừa kiếm thêm thu nhập vừa có việc để làm. Sáng sáng, vợ chồng gọi nhau dậy tập thể dục rồi về nhà uống nước chè, trò chuyện cùng hàng xóm. Thỉnh thoảng, các con lại đưa cháu về thăm ông bà, có trẻ con nhà cửa cũng rộn rã hơn”, ông Phận cười hiền, nói.
Suốt thời gian 40 năm sau khi trở về từ chiến trường, mặc dù có cuộc sống yên bình, hạnh phúc, ông luôn đau đáu niềm mong muốn có thể tìm lại tên cho đồng đội, để người thân các anh biết mà tìm về thăm viếng các anh. Ông tâm niệm, so với đồng đội đã ngã xuống, bản thân ông may mắn hơn rất nhiều khi được sống trong thời bình, chứng kiến sự đổi thay của đất nước, lại được biết thế nào là cảm giác làm cha, làm ông. Nghĩ về đồng đội, ông càng thêm xót xa.
“Tháng 4/2010, tôi viết lá thư ngỏ gửi chính quyền thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) với mong muốn được xây một bia tưởng niệm trên mảnh đất có ngôi mộ tập thể mà hơn 50 cán bộ và chiến sỹ đồng đội ông yên nghỉ năm xưa để thể hiện sự tự hào, niềm tri ân sâu sắc của mình tới những người đồng chí, đồng đội đã kề vai sát cánh với ông qua bao chiến trận”, ông kể.
Sau 1 tuần gửi thư đi, đáp lại tấm lòng ông, cấp ủy, chính quyền thị trấn Tam Quan đã gửi thư về thông báo tới ông tin tức của đồng đội năm xưa. Theo đó, tại trung tâm quận lỵ Tam Quan trước đây, nơi các chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 403 hy sinh, địa phương đã đầu tư xây dựng tượng đài chiến thắng và nghĩa trang liệt sĩ. Hài cốt của hơn 50 liệt sĩ nguyên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 403, Quân khu 5 đã được chính quyền và nhân dân địa phương quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ Tam Quan, ở vị trí phía Bắc, từ hàng 19 - 24.
Thế nhưng, trên tất cả ngôi mộ ấy đều đề “Chưa biết tên”, thuộc đơn vị F3 (tức Sư đoàn 3 Sao Vàng) và hi sinh ngày 1/1/1972. “Có lẽ khi đưa các anh về nghĩa trang, không ai biết đến thân thế thực sự của các anh, chỉ biết rằng thời điểm năm 1972, sư đoàn 3 Sao Vàng (thuộc Quân khu 5) được phân công chiến đấu tại 4 vị trí án ngữ: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Nên khi các anh hi sinh tại Bình Định, chính quyền đã đề chung đơn vị chiến đấu là F3”, ông nghẹn ngào nói.
Với mong muốn gia đình đồng đội được biết đến thông tin về nghĩa trang - nơi đồng đội ông đang yên nghỉ, ông Phận đã đưa thông tin lên mạng xã hội facebook. Nhờ vậy, ba gia đình liệt sỹ Nguyễn Quang Thính (Thanh Hà, Hải Dương) và Phan Đắc Tưởng (Thanh Miện, Hải Dương), Hồ Ngọc Hưng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã biết đến và tìm về nhà ông để nghe ông kể trận đánh Tam Quan cũng như giúp đỡ tìm lại phần mộ của ba chiến sỹ này.
Anh Hồ Văn Mai (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, cháu của liệt sỹ Hồ Ngọc Hưng) vui mừng chia sẻ: “Ngày 29/7/2016, sau khi được bác Phận hướng dẫn, gia đình đã vào thị trấn Tam Quan để tìm liệt sỹ Hưng. Chuyến đi có 6 người gồm mẹ liệt sỹ nay đã 80 tuổi, một người cô 60 tuổi và 3 người chú đã trung tuổi. Chú Hưng ra đi khi tuổi đời còn trẻ, chưa kịp kết hôn. Bao năm qua, gia đình tôi luôn đau đáu một niềm mong ước có thể tìm lại được chú. May mắn thay, nhận được thông tin từ bác Phận, gia đình tôi đã nhanh chóng sắp xếp công việc để trở vào Tam Quan thăm viếng chú Hưng. Tấm lòng của bác Phận khiến gia đình tôi vô cùng cảm kích”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận