ThS. BSCKII Nguyễn Xuân Hải, Trưởng khoa Phụ nội tiết A1, bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng ekip đã mổ thành công cho sản phụ rau cài răng lược, thai nhi cạn ối, đỡ một bé trai nặng 2,6kg chào đời.
Sản phụ N.T.B (38 tuổi) mang thai lần 5, được phát hiện bánh rau bám vào vết mổ lúc 14 tuần, phát hiện rau tiền đạo lúc 19 tuần. Chị B. có nhân tuyến giáp trái nhưng không điều trị và có tiền sử sinh non 2 lần trước đó, từng sinh mổ do vỡ xoang mạch máu.
Sang tuần 34, chị B tới khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai ngôi ngược, cạn ối, ước tính nặng 2,6kg. Sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược, một phần bánh rau lan vào bàng quang.
Trong quá trình theo dõi, nhận thấy tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng lên, thai nhi cạn ối, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai cho sản phụ.
ThS. BSCKII Nguyễn Xuân Hải cho biết quá trình phẫu thuật ghi nhận bàng quang treo rất cao, nhiều mạch máu tăng sinh ăn xuyên vào bàng quang. Sau khi bóc tách đẩy bàng quang xuống thấp, tiến hành bóc rau, phát hiện rau bám lệch trái. Bánh rau ăn sâu xuyên vào thành chậu bên khiến quá trình bóc rau gặp khó khăn.
Sau khi bóc rau, kiểm tra thành trái tử cung và thành chậu trái thấy tổn thương, lộ niệu quản trái, diện tổn thương rộng, chảy máu nhiều và nhanh, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định cắt tử cung bán phần, để lại 2 phần phụ. May mắn, sau phẫu thuật, sức khỏe của hai mẹ con chị B đều ổn định.
Theo các bác sĩ sản khoa, rau cài răng lược dễ xảy ra ở các mẹ bầu bị rau thai tiền đạo. Rau thai tiền đạo lại có liên hệ mật thiết với quá trình phẫu thuật tử cung hoặc sinh mổ trước đó. Nếu từng sinh mổ, bị nhau thai tiền đạo, khả năng bị nhau cài răng lược sẽ lên tới 25%. Nếu từng sinh mổ trên 2 lần, bị rau thai tiền đạo, thì tỷ lệ trên tăng lên 40%.
Các yếu tố khác cũng gây tăng khả năng bị rau cài răng lược như từng nạo hút thai, mang bầu ở độ tuổi ngoài 35, thói quen hút thuốc, u xơ tử cung, hội chứng asherman gây sẹo ở tử cung...
Những trường hợp rau cài răng lược sau khi sinh sẽ không bong và chảy máu không cầm nên có thể có những nguy cơ sau: Băng huyết sau sinh phải truyền máu, đe dọa đến tính mạng sản phụ; Nhiễm trùng sau sinh; Sinh non do chảy máu nhiều; Phải cắt bỏ tử cung; Nếu rau cài đến bàng quang hay trực tràng thì đôi khi phải cắt bỏ 1 phần bàng quang hay trực tràng thì mới cầm máu được
"Rau tiền đạo có cài răng lược là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi. Để tránh các tai biến sản khoa nguy hiểm do rau cài răng lược khi mang thai các sản phụ nên thăm khám và quản lý thai chặt chẽ tại các bệnh viện sản khoa hàng đầu để phát hiện, xử trí kịp thời", BS Hải khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận