Tình huống tìm kiếm hai phu vàng bị mắc kẹt không giống hoàn cảnh giải cứu đội cầu thủ nhí Thái Lan |
Trưa 8/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết: Vụ giải cứu 2 phu vàng bị mắc kẹt trong mỏ vàng trái phép tại xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình vẫn chưa có tiến triển.
“UBND tỉnh vẫn đang chỉ đạo các lực lượng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có gì mới”, ông Tỵ nói.
Từ khi sự việc xảy ra tới nay đã kéo dài gần 5 ngày, cơ hội sống sót của hai phu vàng bị mắc kẹt được cho là rất mong manh! Biện pháp duy nhất mà lực lượng tìm kiếm cứu nạn có thể làm là dùng máy hút bùn đất ra khỏi hố đã bị sập.
Trước câu hỏi so với cuộc giải cứu đội cầu thủ nhí bị mắc kẹt trong hang động ngập nước ở Thái Lan, phải chăng kỹ thuật cứu nạn của Việt Nam vẫn còn hạn chế, ông Tỵ cho biết: "Trong điều kiện tình huống thực tế tại hố vàng, việc huy động máy hút bùn cát đã được bàn bạc kỹ và đây cũng là phương pháp tối ưu. Trước đó, Trung tâm cấp cứu mỏ, lực lượng công binh cũng đã được huy động song không thể làm gì khác. Không giống như vụ giải cứu cầu thủ nhí Thái Lan, là hang động đi sâu vào trong, khi bị sập còn có thể mở một lối thoát để giải cứu nạn nhân. Còn đây là một hố đào vàng bị sụt đất cộng với nước ồ ạt chảy vào tạo nên bùn như cháo, nếu cho người xuống đó thì chìm nghỉm chết mất. Vì vậy, chỉ còn cách hút vợi bùn khi còn cách đáy khoảng 1m mới có thể xuống mò tìm nạn nhân".
Khi được đặt vấn đề, tại sao Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn không vào cuộc trong vụ giải cứu này, ông Tỵ lý giải: "Về nguyên tắc, khi cần TƯ vào cuộc, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương phải có báo cáo kiến nghị. Trong trường hợp khẩn cấp quá nghiêm trọng, TƯ sẽ trưc tiếp chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, trong trường hợp sập mỏ vàng tại Hòa Bình, địa phương cho biết đủ điều kiện để xử lý".
Trong khi đó, ông Quách Tất Liêm, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, tính đến thời điểm chiều tối 7/11, cơ quan chức năng đã huy động 5 máy bơm nước hoạt động tại tất cả các điểm thông qua hang để hút nước và bùn nhanh nhất. Trả lời câu hỏi vì sao không đề nghị hỗ trợ lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, ông Liêm cho biết, cũng đã cầu cứu nhiều nơi, trong đó có các công ty than ở Quảng Ninh có kinh nghiệm xử lý sự cố nhưng tất cả đều “bó tay” vì địa hình cứu nạn ở đây không bình thường, chỉ có thể sử dụng phương án hút bùn, dùng máy xúc ủi mở đường tiếp cận.
“Nếu như ngày đầu cửa hang còn bị ngập kín, lực lượng cứu hộ không thể vào chỉ có 1 - 2 máy xúc san gạt, xúc ủi thì đến thời điểm hiện tại đã có 3 máy vào hoạt động cùng với 1 kíp khoảng 30 người vào trong để bơm nước, hút bùn ra ngoài. Ngoài ra, 5 điểm đặt máy bơm xung quanh khu vực hang liên tục hoạt động nhưng thi thoảng vẫn xảy ra tình trạng hư hỏng, sửa chữa nên mất thời gian”, ông Liêm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận