Bạn cần biết

Cứu sống 2 trẻ sơ sinh mắc bệnh tim hiếm gặp

15/06/2017, 11:38

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch BV Nhi T.Ư vừa cứu sống 2 bệnh nhi sơ sinh mắc bệnh tim hiếm gặp.

3

Bệnh nhi C. nằm trong vòng tay của BS Trường

Tái sinh lần 2 nhờ bác sĩ tận tâm

Ôm chặt cậu con trai bé bỏng trong lòng, chờ hoàn thiện thủ tục xuất viện mà anh Trương Văn Thường (bố bệnh nhân Trương Linh C., trú tại Tuyên Quang) vẫn không tin có ngày hôm nay. “Đã có những lúc gia đình không còn tia hy vọng nào khi biết bệnh tình con quá nguy kịch. Kết quả ngày hôm nay chính là nhờ tài năng và sự tận tâm của các y, bác sĩ BV Nhi T.Ư”, anh Thường chia sẻ.

Bệnh nhi là con thứ 2 trong gia đình, khi sinh trẻ chỉ nặng 2kg, chẩn đoán tim bẩm sinh phức tạp (teo phổi - thông liên thất), da tím tái nặng. Theo BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Nhi T.Ư, với bệnh nhi tim như thế trên thế giới ưu tiên mổ khi 3-6 tháng tuổi. Câu hỏi làm thế nào để có thể duy trì sức khỏe cho trẻ “chờ đủ chuẩn” thời gian để mổ đã được các BS đặt ra. Giải pháp dùng thuốc duy trì đã được chỉ định chờ sau hơn một tháng, trẻ tăng lên 3,2kg sẽ phẫu thuật. BS Trường còn cho biết: “Đây là trường hợp bệnh nhi đặc biệt khó khăn khiến chúng tôi phải cân nhắc nhiều vì trẻ cân nặng thấp, các cấu trúc trong quả tim rất bé nhỏ và mỏng manh, rất dễ bị rách nát tổ chức khi thực hiện phẫu thuật. Bên cạnh đó, bệnh nhân không có động mạch phổi nên phải tạo hình lại hoàn một động mạch phổi mới. Điều này vô cùng khó khăn khi thể tích lồng ngực của trẻ rất bé. Và đặc biệt ca phẫu thuật sửa chữa toàn bộ các tổn thương trong tim ở 1 lần mổ vốn chỉ được chỉ định thực hiện khi trẻ 6 tháng tuổi trở lên, cân nặng từ 6-8kg trở lên; nhưng ở đây trẻ mới hơn 3kg”.

Bệnh lý tim bẩm sinh do nhiều nguyên nhân, phần lớn liên quan đột biến giai đoạn tim được hình thành cấu trúc. Các dấu hiệu nhận biết bệnh tim ở trẻ ngay tháng đầu đời: 40% xuất hiện tím ngay sau khi đẻ, thở nhanh hơn so với trẻ bình thường khi không bú hoặc lúc nằm ngủ, khi bú trẻ thở gấp, vã mồ hôi nhiều do trẻ phải gắng sức quá mức… Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 95% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường.

Ca mổ kéo dài 7 giờ và điều may mắn tình trạng của bệnh nhi tương đối ổn định, hồi sức sau 2 ngày đã có thể rút nội khí quản… Tuy nhiên, điều khiến các bác sĩ “đau tim” là sau đó bệnh nhân xuất hiện phù phổi, đường thở ngập máu, tất cả chỉ số sinh tồn tụt nhanh, không giữ được bão hòa oxy… Bệnh nhi được cho thở máy nhưng không thể kiểm soát được do sũng máu trong phổi. “Lúc đó nửa đêm, quyết tâm bằng mọi cách giành giật sự sống cho trẻ, kíp trực quyết định mạo hiểm chuyển trẻ sang chế độ đặt máy thở ngoài cơ thể (ECMO). Tuy nhiên, trẻ cân nặng thấp, lại sau sang chấn về phổi, nên cũng vô cùng khó khăn để đặt được ECMO và duy trì chạy máy ECMO. Có những lúc phải bóp tim ngoài lồng ngực và sau 2 giờ đồng hồ mới đặt thành công máy thở ngoài cơ thể, giữ ổn định tình trạng huyết động của trẻ”, BS Trường nhớ lại. Và điều may mắn, bệnh nhi không bị bội nhiễm, đến ngày thứ 7 đã hồi phục tim, phổi, nên quyết định rút máy thở ngoài, sau 2 ngày đã tự thở.

Sau 2 tháng với sự nỗ lực của đội ngũ y BS, chiều 14/6, bệnh nhi được ra viện. Kết quả siêu âm chức năng tim tốt, hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, do dùng động mạch phổi nhân tạo, nên khi trẻ lớn sẽ phải thay lại.

Cân não giành sự sống dù cơ hội chỉ 10%

Trao đổi với Báo Giao thông, anh Nguyễn Thanh Bình (bố bệnh nhi Nguyễn Trọng Ph., trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Từ đầu mới nhập viện, gia đình cũng đã xác định tư tưởng con chỉ có 10-20% cơ hội sống”. Ngay khi còn bào thai, qua siêu âm bé đã được các bác sĩ chẩn đoán bệnh lý tim mạch bẩm sinh. Tuy nhiên, vợ anh đã sảy thai hai lần và thai nhi cũng đã lớn nên gia đình quyết tâm giữ lại. Trẻ ra đời chỉ nặng 1,7kg, khi mới 37 tuần tuổi. Ngay sau mổ đẻ, trẻ tím tái, xuất hiện tình trạng sốc tim. Bệnh nhân được chuyển sang BV Nhi T.Ư và thở máy ngay. Theo BS Trường, các BS Khoa Sơ sinh và Hồi sức tìm mọi cách cải thiện nhưng do tổn thương phức tạp, nên tình trạng vô cùng nguy kịch. Trẻ bị đồng thời 5 tổn thương, gồm: Chuyển gốc động mạch, hẹp tâm thất trái, lỗ thông liên thất lớn, ống động mạch mở nhưng không có khả năng trao đổi không khí, vách liên nhĩ đóng kín… Có thể nói, đây là ca bệnh khiến các bác sĩ cân não vì chưa từng gặp; hơn nữa bệnh nhân nguy kịch nên BS cũng không có thời gian để nghiên cứu trên y văn thế giới. “Thực sự stress khi chúng tôi cùng nhau cân nhắc khi đưa ra quyết định điều trị cuối cùng”, BS Trường cho hay.

Cuối cùng, sau hội chẩn quyết định chuyển và siết lại động mạch phổi để đảm bảo trẻ không suy tim, phù phổi trước khi thực hiện phẫu thuật chỉnh sửa lỗ thông liên thất lớn. Ca mổ chuyển vị trí động mạch phổi kéo dài suốt 10 giờ đồng hồ, các bác sĩ gắn chặt với chiếc kính lúp giúp khuếch đại hình ảnh lên gấp 4 lần để tiến hành chuyển. Sự cẩn trọng được đo đếm đến từng với tỷ lệ cực nhỏ, bởi nguy cơ xoắn gốc động mạch vành, nếu chỉ gập hoặc xoắn, lệch 1/4mm sẽ gây thiếu máu cấp… trẻ sẽ không thể cứu được nữa. Chuyển vị trí đã phức tạp, việc siết động mạch phổi cũng vô cùng khó vì kích thước rất nhỏ… May mắn sau ca mổ, tình trạng trẻ ổn định, chuyển sang hồi sức. Hiện, trẻ đã rút ống nội khí quản, tự thở và bắt đầu ăn nhẹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.