Đột ngột nôn ra máu, bất ngờ phát hiện vỡ động mạch chủ
Theo lời TS.BS. Bùi Long, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, BV Hữu nghị Việt Xô, bệnh nhân T. nhập viện điều trị trong tình trạng sốt cao và viêm phổi. Tuy nhiên, sau nhập viện một ngày, bệnh nhân nôn và đi ngoài ra máu rất nhiều, sau đó là trụy tim mạch, suy hô hấp, buộc phải truyền máu cấp cứu, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Trong quá trình chụp phim ổ bụng, do nghi ngờ có dịch máu ở khoang ổ bụng nên đồng thời chụp thêm động mạch chủ ngực thì phát hiện động mạch chủ ngực của bệnh nhân bị thủng một lỗ lớn thông với thực quản. Máu chảy theo thực quản xuống dạ dày dẫn đến tình trạng nôn và đi ngoài ra máu. “Đây là hiện tượng khá hiếm gặp bởi thường thì chúng tôi gặp trường hợp động mạch chủ ngực vỡ gây tràn máu khoang màng phổi và màng tim. Nhưng trường hợp này động mạch chủ lại bị vỡ vào thực quản, mặc dù thực quản và động mạch chủ là hai bộ phận chạy song song trong khoang ngực mà không có sự thông thương giữa hai cơ quan này”, BS. Bùi Long chia sẻ.
Ngay sau khi có kết luận chẩn đoán, một cuộc hội chẩn liên khoa diễn ra nhằm can thiệp gấp để cứu bệnh nhân, do máu từ động mạch chủ vẫn tiếp tục chảy. Thông thường, các bác sĩ sẽ phẫu thuật khâu lỗ thủng và làm động mạch nhân tạo. Tuy nhiên, bệnh nhân tuổi quá cao, cùng với tình trạng bệnh nặng nhiều bệnh phối hợp, viêm phổi tiến triển và đang sốc mất máu. Do đó, nguy cơ tử vong sẽ rất cao, thậm chí là tuyệt đối nếu tiến hành phẫu thuật.
Chính vì vậy, các bác sĩ đưa ra quyết định can thiệp đặt stent Graft động mạch chủ nội soi. Đường vào chỉ từ hai lỗ nhỏ qua động mạch đùi ở bẹn hai bên, thiết bị stent Graft được đặt chính xác tại ví trí lỗ thủng để vá lỗ thủng. “Do chi phí thực hiện phương pháp này khá cao, từ 250-300 triệu đồng nên nếu gia đình bệnh nhân không quyết định điều trị đến cùng thì rất khó có thể cứu được bệnh nhân. Vì vậy, gia đình phải quyết định rất nhanh và quyết tâm”, BS. Long cho biết.
Chia sẻ về điều này, chị Phan Thị Hảo (con gái bệnh nhân) cho biết: “Vốn dĩ bố tôi mắc bệnh cao huyết áp và tăng đường huyết, cùng với thời tiết mấy hôm trước đột ngột trở lạnh nên đã bị cảm cúm. Sau đó, xuất hiện cơn đau ngực và gia đình vội đưa vào viện”.
Theo BS. Long, tính từ đầu năm đến nay, đây là ca thứ 3 mà các y bác sĩ cứu sống bệnh nhân cao tuổi bị vỡ động mạch chủ bằng phương pháp đặt stent Graft. Hai ca trước, một bệnh nhân 86 tuổi, một bệnh nhân 88 tuổi bị thủng động mạch chủ, máu tràn vào màng phổi và màng tim.
Căn bệnh nguy hiểm “ẩn” trong người già
Theo giải thích của TS.BS. Bùi Long, động mạch chủ là mạch máu xuất phát từ tim và là động mạch lớn nhất của cơ thể, gồm hai đoạn: Ngực và bụng. Vì một lý do nào đó, kích thước của nó có thể to ra bất thường ở một đoạn, tạo thành một chỗ phình lên như cái túi. Ở túi phình này, máu dễ tạo huyết khối gây tắc mạch. Do đó, túi phình động mạch được ví như một “quả bom” và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Vì ở gần tim và có kích thước lớn nên khi túi phình vỡ, máu sẽ thoát ra ngoài ồ ạt, gây tình trạng mất máu trầm trọng, có thể gây tử vong nhanh chóng.
“Phình động mạch chủ thường gặp ở người cao tuổi có kèm xơ vữa mạch máu và cao huyết áp. Tình trạng thành mạch bị xơ vữa, chịu áp lực cao liên tục, kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến hình thành túi phình. Trong phần lớn trường hợp, túi phình không gây bất cứ triệu chứng nào nên bệnh nhân không biết để đi khám. Thường chỉ khi túi sắp vỡ hay vỡ đột ngột, bệnh mới được phát hiện, nhưng đã muộn. Những túi phình âm thầm thường được phát hiện một cách tình cờ”, BS. Long cho hay.
Nếu túi phình chưa vỡ hẳn mà chỉ bị nứt hay bị bóc tách các lớp áo (y học gọi là dọa vỡ hay sắp vỡ), bệnh nhân thường bị đau ngực hoặc đau bụng đột ngột, đôi khi bị chẩn đoán lầm với các nguyên nhân khác.
BS. Long cho hay, dù đây là bệnh khá thường gặp ở người cao tuổi, nhưng riêng với ca bệnh này khá hiếm gặp khi máu từ lỗ thủng động mạch lại tràn qua thực quản vào dạ dày. Nếu không thăm khám cẩn trọng có thể sẽ có chẩn đoán nguyên nhân không chính xác.
Theo khuyến cáo của BS. Bùi Long, với các bệnh nhân tăng huyết áp, cao tuổi, rối loạn chuyển hoá mỡ máu, nên định kỳ thăm khám, kiểm tra tim mạch qua phương pháp siêu âm. Nếu có dấu hiệu bất thường sẽ khám chuyên sâu hệ thống động mạch chủ ngực và bụng.
“Nếu bệnh nhân xuất hiện những cơn đau bất thường, đau xé như dao đâm xuyên từ xương ức hay từ bụng ra phía sau hoặc tự sờ thấy một khối mạch đập ở bụng thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Nếu phát hiện muộn, việc điều trị sẽ khó khăn và tỷ lệ tử vong cao”, BS. Long cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận