Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bé P.N.K (6 tuổi, ở Hải Dương) được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ nhận định chấn thương khí quản gây tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da mức độ nhiều, đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và can thiệp cấp cứu.
Theo gia đình, trẻ đang chơi xe điện 3 bánh ở gần nhà thì bị ngã, vô lăng chiếc xe đập vào cổ. Sau đó, cháu bé khó thở, sưng vùng má, cổ, phồng vùng ngực.
Ngay lập tức, gia đình đưa trẻ đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu. Nhận thấy đây là trường hợp chấn thương vô cùng phức tạp, nguy kịch tính mạng, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau khi được chuyển đến Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé K được hỗ trợ thở máy, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch, an thần và kháng sinh phổ rộng để tránh nhiễm khuẩn vào trung thất. Kết quả chiếu chụp cho thấy, trẻ chấn thương vỡ thành sau khí quản, có tràn khí màng phổi 2 bên, tràn khí trung thất, tràn khí ngoài da toàn thân, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
ThS.BS Phạm Anh Tuấn, Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa cho biết: "Khó khăn nhất trong quá trình hồi sức bệnh nhi trước mổ là việc đặt nội khí quản qua chỗ vị trí rách, phù nề rất nhiều, chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi có thể khiến trẻ thêm nguy kịch. Chúng tôi phải kết hợp đặt nội khí quản và thông khí nhẹ nhàng, tránh tổn thương cho phổi và giảm áp lực đường thở cho trẻ, duy trì tình trạng bệnh nhi ổn định nhất trước khi bước vào phẫu thuật".
Sau khi lên kế hoạch chi tiết, ca phẫu thuật do các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thực hiện đã khâu nối, cố định lại các tổn thương, vi phẫu chỉnh hình khí quản và dẫn lưu tràn khí cho bệnh nhi.
Trải qua 3 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật thành công, tình trạng bệnh nhi tiến triển tích cực, không còn tràn khí màng phổi, cải thiện tình trạng suy hô hấp, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Trẻ được duy trì an thần, thở máy và tiếp tục được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để theo dõi chặt chẽ và chăm sóc đặc biệt.
Sau 5 ngày, trẻ đã có thể tự thở và sẽ có kế hoạch ra viện trong vài ngày tới, tuy nhiên, bệnh nhi vẫn cần tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục. Theo các bác sĩ, dù là một tổn thương nặng nhưng khi hồi phục hoàn toàn, các chức năng của khí quản, phế quản sẽ hoạt động bình thường và chất lượng cuộc sống của trẻ được đảm bảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận