Pháp đình

Cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long khai giữ hơn 3,8 triệu USD để cứu công ty

21/11/2022, 14:41

Tại phiên xét xử, cựu Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long đã khai nhận giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD để cứu công ty.

Sáng nay (21/11), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và đồng phạm vì liên quan đến vụ sai phạm xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (gọi tắt là Dược Cửu Long).

Mở đầu phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa cho biết do bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó Tổng Giám đốc Dược Cửu Long) đã tử vong nên HĐXX quyết định đình chỉ xét xử đối với bị cáo này.

img

Các bị cáo tại phiên xét xử

Sau đó, phiên toà tiếp tục với phần tra hỏi bị cao Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dược Cửu Long).

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Hóa thừa nhận, bị cáo là người ký hợp đồng với Bộ Y tế về sản xuất thuốc phòng, chống dịch cúm A H5N1.

Nội dung hợp đồng là Bộ Y tế mua của Dược Cửu Long 5 triệu viên Oseltamivir để phòng chống dịch. Trong hợp đồng có khoản nếu bên nước ngoài giảm giá cho Dược Cửu Long thì công ty sẽ giảm giá cho Bộ Y tế.

Cụ thể, Dược Cửu Long tiếp tục giảm giá cho nhà cung cấp để giảm giá nguyên liệu Oseltamivir, trường hợp đàm phán được thì báo cáo lại Bộ Y tế và Bộ Tài chính để liên bộ xem xét, điều chỉnh giá thành sản xuất và tổng giá trị hợp đồng.

Cáo trạng xác định, từ tháng 2 - 4/2006, Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm 6 tháng kể từ ngày nhận hàng.

img

Bị cáo Lương Văn Hoá

Về sau, giá nguyên liệu giảm, Lương Văn Hóa chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo cho giảm giá số tiền 3,848 triệu USD, đồng thời hoàn thiện giấy tờ để ngoài sổ sách số tiền trên.

Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, ông Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi bị phát hiện và yêu cầu báo cáo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu, bị cáo tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục lòng vòng để hợp thức hồ sơ thanh toán.

Tại phiên xét xử, bị cáo Hoá đã trình bày về số tiền hơn 3,8 triệu USD mà Dược Cửu Long giữ lại, chưa hoàn trả cho nhà cung cấp.

"Năm 2005 là năm đặc biệt khó khăn của các doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng tới hơn 20%, trong khi đó Dược Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước nên vốn rất ít, phải vay ngân hàng. Cho nên Dược Cửu Long hạch toán, sử dụng số tiền trên như chiếm dụng vốn của khách hàng để giải cứu trong lúc phải trả lãi ngân hàng cao", bị cáo Hóa nói.

Sau đó, bị cáo Hoá chỉ đạo kế toán để hạch toán số tiền trên vào phần giảm giá hàng hoá mua được trong 3 năm 2006 - 2008. Những lần hạch toán này, Công ty Dược Cửu Long không báo lại với Bộ Y tế.

Cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dược Cửu Long tái thừa nhận, mục đích giữ lại khoản hơn 3,8 triệu USD không báo lại Bộ Y tế bởi thời điểm đó công ty khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng cao nên Dược Cửu Long giữ lại để cứu công ty.

"Bị cáo biết tiền đó là ngân sách Nhà nước, bị cáo nhận thức được hợp đồng giữa 2 bên là hợp đồng kinh tế, anh mua của tôi thì trả tiền cho tôi chứ không nhận thức được tiền Nhà nước thì phải sử dụng thế nào. Việc giữ lại số tiền sau khi công ty đã giao hết hàng có nghiệm thu, khi nào Mambo có văn bản giảm giá cho công ty thì công ty mới giảm giá cho Bộ Y tế. Thực tế từ 2006 đến nay, Mambo chỉ đòi lại tiền 1 lần. Về cáo trạng, bị cáo không có ý kiến gì. Bị cáo đứng đây biết bị cáo có lỗi", bị cáo Hóa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.