“Hồi sinh” bến phà lịch sử
Ngày 30/6/2019, bến phà Vàm Cống chính thức kết thúc sứ mệnh hơn 44 năm nối đôi bờ An Giang và Đồng Tháp. Điều này diễn ra sau khi cầu Vàm Cống chính thức thông xe được hơn một tháng.
Dự kiến ngày 2/9/2023, phà Vàm Cống sẽ hoạt động trở lại.
Trước thông tin ngày 2/9 tới, phà Vàm Cống sẽ hoạt động trở lại sau hơn 4 năm dừng hoạt động khiến nhiều người dân trong khu vực tỏ ra phấn khởi.
Bờ phía Đồng Tháp của phà Vàm Cống đặt tại ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, bờ phía An Giang tại phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên.
Cụm phà Vàm Cống được thành lập vào năm 2000 để tiếp nhận các bến phà thuộc cụm phà Mỹ Thuận trước đây, sau khi cầu Mỹ Thuận được đưa vào hoạt động do Cục Quản lý đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ VN) quản lý và vận hành.
Sau khi ngưng hoạt động, cơ sở hạ tầng tại các bến được bàn giao cho các địa phương quản lý.
Hơn 100 năm qua, giao thương qua lại giữa tỉnh An Giang và Đồng Tháp chủ yếu phụ thuộc vào đò, phà.
Khi cầu Vàm Cống hoàn thành, người dân rất vui mừng vì từ đây giao thông đã không còn cách trở.
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, do cầu cách bến phà cũ 4 km, người dân hai bờ muốn qua lại phải di chuyển xa, nhất là đối với một số bà con tiểu thương và công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) và khu công nghiệp Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp).
Do đó, việc bến phà Vàm Cống hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, người dân sẽ có thêm phương thức lựa chọn di chuyển.
“Người dân đi xe máy và đi bộ có phà sẽ thuận tiện hơn. Như tôi, để từ Long Xuyên qua khu công nghiệp Lấp Vò, phải di chuyển mất khoảng 10km, nhưng nếu đi phà thì gần hơn rất nhiều.
Còn như ô tô, xe khách, xe tải cứ đi cầu Vàm Cống, như vậy thì không lo quá tải”, anh Nguyễn Văn Quang (ngụ thành phố Long Xuyên) chia sẻ.
Cầu Vàm Cống nối tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp.
Tương tự, một người dân khác chia sẻ: “Cầu Vàm Cống góp phần giảm áp lực giao thông. Nhưng do cầu lại khá xa với một bộ phận dân cư nên việc cho phà hoạt động trở lại cũng tốt, giao thông nội ô sẽ nhanh hơn. Người dân sẽ có thêm lựa chọn đi phà hoặc cầu”.
Giới hạn tải trọng và thời gian
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự kiến ngày 2/9 bến phà Vàm Cống sẽ hoạt động trở lại.
Hiện, các công nhân vẫn đang tập trung sửa chữa một số hạng mục tại bến phà, đảm bảo các điều kiện an toàn khi đưa vào khai thác.
Theo ông Bảo, việc cho phà chạy lại là do nhu cầu bức thiết của người dân địa phương.
“Thời gian qua, cử tri hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp nhiều lần phản ánh, hiện nay công nhân làm việc tại các khu công nghiệp của hai địa phương khi di chuyển qua lại gần 10km gây khó khăn và tốn kém. Từ đó, cử tri kiến nghị cho phà hoạt động trở lại.
Do đó, hai địa phương đã bàn bạc và thống nhất, tận dụng cơ sở hạ tầng cũ để từ An Giang qua Đồng Tháp đi lại gần hơn", ông Bảo cho hay.
Chuyến phà cuối cùng tại bến phà Vàm Cống vào ngày 30/6/2019.
Cũng theo ông Bảo, việc đưa đón khách sẽ do Công ty CP phà An Giang và Đồng Tháp phối hợp đối lưu chuyến.
Phà chủ yếu phục vụ người đi bộ, xe máy và ô tô tải có tải trọng dưới 7 tấn, thời gian hoạt động dự kiến từ sáng sớm đến khoảng 21 - 22h hằng ngày.
Về phía tỉnh An Giang, ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho biết, hiện cơ sở hạ tầng tại khu vực bến của địa phương đã hoàn tất việc sửa chữa.
“Chúng tôi đang chờ phía Đồng Tháp sửa chữa bến xong là sẽ cho bến hoạt động trở lại để phục vụ người dân”, ông Tân nói.
Dự kiến giá vé xe máy là 6.000 đồng/lượt, xe ô tô tải dưới 3 tấn 25.000 đồng/lượt, ô tô tải 5 - 7 tấn 60.000 đồng/lượt.
Phà Vàm Cống nằm trên quốc lộ 80, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và TP Long Xuyên (An Giang), dừng chạy sau 100 năm hoạt động từ khi cầu cùng tên bắc qua sông Hậu khánh thành ngày 19/5/2019.
Cầu Vàm Cống có mức đầu tư 5.700 tỷ đồng, nối quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận