Phán quyết đã được 9 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp Thái Lan bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ ủng hộ 6/9 trong đó khẳng định nhiệm kỳ của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha được tính từ ngày 6/4/2017 khi Hiến pháp hiện hành bắt đầu có hiệu lực.
Như vậy, thời gian giữ chức vụ Thủ tướng của ông Prayut tính đến ngày 24/8/2022 chưa quá thời hạn được quy định tại điều 158, khoản 4, Hiến pháp năm 2017.
“Căn cứ những lý do nêu trên, Tòa án Hiến pháp Thái Lan, với số phiếu đa số ủng hộ, phán quyết ông Prayut sẽ không bị miễn nhiệm Thủ tướng" – thông báo nêu rõ.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha
Cùng ngày, Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Anucha Buraphashaisri tuyên bố, Thủ tướng Prayut Chan-ocha tôn trọng quyết định của Tòa án Hiến pháp và cảm ơn những người ủng hộ. Đại diện chính quyền Thái Lan nhấn mạnh: "Từ nay, Thủ tướng (Prayut Chan-ocha) sẽ tiếp tục nhiệm kỳ của mình để giúp đất nước tiến bộ".
Ông Prayut lên nắm quyền tại Thái Lan ngày 24/8/2014 sau cuộc đảo chính do ông đứng đầu trước đó 3 tháng. Ngày 6/4/2017, Hiến pháp hiện nay của Thái Lan bắt đầu có hiệu lực, trong đó Điều 158 của Hiến pháp quy định “Thủ tướng không được giữ chức vụ tổng cộng quá 8 năm, dù liên tục hay ngắt quãng".
Ngày 9/6/2019, sau cuộc tổng tuyển cử tiến hành hồi tháng 3 cùng năm, ông Prayut tiếp tục giữ chức Thủ tướng.
Tuy nhiên, tới cuối tháng 8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan chấp nhận kiến nghị của phe đối lập yêu cầu phán quyết rõ về thời hạn nhiệm kỳ thủ tướng của ông Prayut. Họ cho rằng thời hạn nhiệm kỳ 8 năm của ông Prayut đã kết thúc vào ngày 24/8/2022 vì ông bắt đầu giữ cương vị này ngày 24/8/2014.
Do đó, Toà án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha để chờ phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ.
Mặc dù bị đình chỉ chức vụ thủ tướng, ông Prayut vẫn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, tiếp tục tới trụ sở Bộ Quốc phòng để làm việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận