Hải quân Nhật Bản - Mỹ trong một cuộc tập trận quy mô lớn
|
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã liên tục thực hiện việc chiếm đóng và quân sự hoá trái phép tại các hòn đảo nhân tạo trên khu vực Biển Đông. Nhưng, điều bất ngờ là những hành động trót lọt này Bắc Kinh lại xuất phát từ sự lơ là, thiếu hành động của nhiều quốc gia, có năng lực đối chọi, ngăn chặn Trung Quốc.
Phản ứng ít không đạt được mục tiêu
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã có lúc liên minh các nước tại Châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu phản ứng lại với sự chiếm đóng và quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia an ninh, những cơ hội như vậy đã khép lại.
Các biện pháp như chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) là quá ít và quá trễ. Bắc Kinh đã thành công trong việc thay đổi thực trạng khu vực và việc lật ngược tình hình là điều gần như không thể. Vì vậy, những nỗ lực của Mỹ cùng các nước trong việc chống lại tham vọng của Trung Quốc nên được tập trung vào nhiều nơi.
Điều đáng ngạc nhiên nhất, ở Biển Đông trong một thập niên qua, không phải là Trung Quốc quá tài giỏi và thành công trong việc xây dựng một loạt đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp tại vùng biển họ coi là “ao nhà”, mà là cộng đồng quốc tế không quan tâm tới những hành động ngang ngược của quốc gia này.
Bắc Kinh không hề che dấu ý định của họ tại Biển Đông, vậy thì nếu như khu vực này trở thành vùng“cấm địa” về hàng hải đối với các quốc gia khác, thì đó là do các nước đã lơ là và thiếu hành động.
Hiện nay, các quốc gia trong khu vực cùng với các đối tác an ninh của họ đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn mới. Đó là các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông có liên quan trực tiếp đến tham vọng lớn hơn của họ tại 3 vùng biển Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương.
Khu vực đầu tiên cần phải nhắc đến là vùng biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự và hàng hải, chủ yếu gần quần đảo Điếu Ngư đang bị tranh chấp giữa Tokyo, Bắc Kinh và Đài Bắc.
Chiến hạm Mỹ tuần tra tại Biển Đông |
Ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc đều dùng chiến lược “lát cắt xúc xích” - thực hiện những hành động nhỏ lẻ, từng bước từng bước một, sau một thời gian tích lũy sẽ tạo lợi thế cho Bắc Kinh. Họ đã tạo ra một môi trường "xung đột thường trực" trên hai vùng biển này bằng sự leo thang xen kẽ, tạm dừng hành động khi bị chú ý và sẽ quay trở lại vào vài tháng sau.
Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hiệp ước an ninh giữa Tokyo với Washington mà những lợi ích của Trung Quốc tại biển Hoa Đông hạn chế hơn nhiều so với ở Biển Đông.
Đã đến lúc Mỹ và đồng minh cần mạnh tay
Nếu liên minh các nước trong khu vực đã sẵn sàng hành động phản đối tham vọng của Trung Quốc, toàn bộ vùng Biển Hoa Đông có thể sẽ trở thành một "điểm thắt nút" đối với quốc gia này.
Cả Mỹ, Nhật Bản và đảo Đài Loan hoàn toàn có khả năng chặn Trung Quốc ở biển Hoa Đông bằng các hệ thống phòng không, bộ binh và hải quân, cũng như gia tăng phòng thủ cho đảo Yonaguni vốn chỉ cách vùng biển Đài Loan 108 km về phía Đông. Từ đó ngăn không cho Hải quân và Không quân Trung Quốc sử dụng 9 tuyến đường thường dùng để di chuyển vào vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Bắc Kinh vẫn ngang nhiên coi thường luật quốc tế bằng cách phớt lờ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực hồi tháng 7/2016, tiếp tục chiếm đóng và quân sự hoá tại Biển Đông.
Vì vậy, động thái ngăn chặn của liên minh sẽ như một biện pháp trừng phạt Bắc Kinh vì đã không tuân thủ luật pháp quốc tế. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ không thể dùng Biển Hoa Đông làm bàn đạp tiến vào vùng biển Tây Thái Bình Dương, cũng như hạn chế quốc gia này tiến tới Kênh Bashi nằm giữa Đài Loan với Philippines.
Với tình thế phức tạp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như hiện nay, nếu khối đồng minh của Mỹ không tự tạo ra các “nút thắt chiến lược”, thì sau khi thành công trong việc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ không có lý do gì để không lấn tới biển Hoa Đông.
Hơn nữa, đối với Nhật Bản, một chiến lược như vậy sẽ tăng cường mối quan hệ an ninh của họ với Đài Bắc, đồng thời sẽ giúp ích cho việc duy trì sự nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan.
Sự tồn tại của Đài Loan là một chủ thể là một phần quan trọng của chiến lược này. Đảo Đài loan đóng vai rào chắn ngăn Bắc Kinh hướng tới vùng biển Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương.
Nếu không có hành động cụ thể, những tuyên bố như “xoay trục về châu Á” hay “tái cân bằng”của Mỹ sẽ vẫn chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng.
Sự cần thiết phải các hành động đối phó càng rõ ràng hơn sau khi Bắc Kinh tuyên bố đưa Cảnh sát biển Trung Quốc về thuộc quyền kiểm soát của Ủy ban Quân ủy Trung ương (CMC) do chính ông Tập Cận Bình giám sát từ tháng 7.
Nếu Mỹ không có phản ứng thích đáng với chiến lược “lát cắt xúc xích”, Bắc Kinh sẽ tạo ra một thực trạng mới trên biển và xa hơn, có thể gây bất ổn cho hệ thống pháp lý nếu như các nước khác “học theo” Bắc Kinh, cũng quân sự hóa các tổ chức, cơ quan hàng hải dân sự của họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận