Hậu trường sao

Đã đến lúc tự tin “xuất khẩu” cầu thủ Việt?

09/01/2019, 07:39

Vụ chuyển nhượng Đặng Văn Lâm có thể coi là cột mốc lịch sử với bóng đá Việt Nam.

30

Đặng Văn Lâm trong màu áo đội tuyển Quốc gia

Thủ thành Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam đầu tiên được một CLB nước ngoài hỏi mua chính thức. Từ đây đặt ra câu hỏi: Thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam nói chung hay tư tưởng “mang chuông đi đánh xứ người” nói riêng phải chăng đã đến lúc cần thay đổi?

“Quả bom” ném vào trì trệ

Vụ chuyển nhượng của thủ thành đội tuyển quốc gia và CLB Hải Phòng Đặng Văn Lâm khiến làng bóng đá Việt Nam dậy sóng những ngày qua. Đây là lần đầu tiên một đội bóng nước ngoài đặt vấn đề hỏi mua một cầu thủ Việt Nam. Nói cách khác, vụ chuyển nhượng Văn Lâm có thể coi là cột mốc lịch sử với bóng đá Việt Nam. Trước Văn Lâm, một số cái tên từng ra nước ngoài thi đấu như: Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh… nhưng đều theo dạng cho mượn hoặc thỏa thuận thương mại và phải về nước chỉ sau thời gian ngắn.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, để có sự phục vụ của Văn Lâm, Muangthong United phải chi ra khoảng 500 nghìn USD, tương đương 11 tỷ đồng. Nên nhớ, Hải Phòng không mất xu nào để chiêu mộ Văn Lâm từ khi anh còn là cầu thủ tự do. Nhìn từ góc độ kinh tế, đây là thương vụ rất thành công của Hải Phòng. Với mặt bằng bóng đá Việt Nam, số tiền 11 tỷ đồng có thể tăng cường thêm 2-3 cầu thủ chất lượng hoặc dùng cho việc tái đầu tư vào công tác đào tạo trẻ.

HLV Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) cho rằng, hoạt động chuyển nhượng tại Việt Nam không tuân theo các nguyên tắc quốc tế nhưng điều này là do ảnh hưởng của cả nền bóng đá. Muốn thay đổi không phải chuyện một sớm một chiều. Bóng đá Việt Nam đa phần các đội bóng đều rơi vào cảnh ăn đong nên rất khó dành ra khoản ngân sách lớn để mua cầu thủ. Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố khác để hình thành thị trường chuyển nhượng. Đơn cử như đội ngũ môi giới, đại diện cầu thủ hay hành lang pháp lý. Nếu muốn chuyển nhượng bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp, các nhà quản lý, những người đứng đầu CLB phải ngồi lại tìm giải pháp”, ông Hùng nói và dẫn giải thêm: “Bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp 16 năm nhưng hoạt động chuyển nhượng vẫn trì trệ và Văn Lâm giống như quả bom ném vào sự trì trệ này. Hy vọng trong tương lai mọi thứ sẽ thay đổi”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An cho rằng: “Hoạt động chuyển nhượng trong bóng đá nhà nghề mang lại nguồn thu lớn. Nhưng tại Việt Nam, hoạt động này vẫn chưa được đánh giá đúng, có phần chậm chạp, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp. Sự kiện Văn Lâm giống như tiếng chuông thức tỉnh các nhà quản lý bóng đá, các ông bầu phải hành động để theo kịp xu thế thế giới”.

31

Đặng Văn Lâm sẽ chia tay CLB Hải Phòng để khoác áo CLB Muangthong United (Thái Lan)

Đã đến lúc “xuất khẩu cầu thủ”?

Trong khi chờ đợi các CLB trong nước đủ năng lực tài chính, bóng đá Việt Nam có hành lang đủ để chuyển nhượng đi theo hướng chuyên nghiệp, chúng ta có nên nhìn ra nước ngoài? Theo HLV Phan Thanh Hùng, Đặng Văn Lâm xuất ngoại là tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam bởi chúng ta chỉ quen chiêu mộ cầu thủ ngoại chứ khái niệm “xuất khẩu cầu thủ” còn rất mới mẻ. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang khởi sắc, các cầu thủ nếu có cơ hội nên mạnh dạn nắm bắt để học hỏi, phát triển bản thân. Bên cạnh trường hợp Văn Lâm đã ngã ngũ, gần đây cũng có rất nhiều thông tin khẳng định, tiền đạo Quang Hải sau thành công cùng đội tuyển Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á và AFF Cup cũng được nhiều câu lạc bộ nước ngoài đặt vấn đề chiêu mộ. Đây là tín hiệu tích cực nhưng cũng cần sự tự tin của câu lạc bộ chủ quản cũng như bản thân các cầu thủ “lọt mắt xanh” câu lạc bộ nước ngoài. “Những nền bóng đá mạnh nhất châu Á luôn chú trọng việc đưa cầu thủ ra nước ngoài, chủ yếu tới châu Âu. Đó cũng là một cách để tiếp cận trình độ bóng đá đỉnh cao thế giới. Với Việt Nam, nền tảng của chúng ta còn thấp nên phải làm từ từ”, ông Hùng đánh giá.

Ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, việc cầu thủ ra nước ngoài thi đấu đem đến nhiều lợi ích. “Đó là lợi ích kinh tế cho bản thân cầu thủ. Ngoài ra cầu thủ có thêm kinh nghiệm, trải nghiệm để về phục vụ đội tuyển quốc gia và nhìn sâu xa thì nó tạo động lực cho các cầu thủ trẻ phấn đấu. Thời gian qua, đặc biệt là năm 2018, bóng đá Việt Nam đã có những thành công nhất định, cho thấy công tác đào tạo dần đem lại hiệu quả tích cực, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng. Tuy chưa đến mức quá dồi dào nhưng các đội bóng hay các cầu thủ đã có thể nghĩ tới việc “xuất khẩu”, nâng cao vị thế của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Thanh nêu ý kiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.