Chuyên gia nhà thầu IVU Traffic Technologies (CHLB Đức) đang test phần mềm lập biểu đồ chạy tàu |
Quá nhiều khó khăn
Dự án hiện đại hóa Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt” (OCC) sử dụng vốn ODA và được Tổng công ty Đường sắt VN (theo ủy quyền của Bộ GTVT) phê duyệt đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng từ năm 2006. Nhà tài trợ vốn là Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW); Tư vấn dự án là Công ty Tư vấn SIGNON (CHLB Đức); Nhà thầu thực hiện dự án là Công ty IVU Traffic Technologies (CHLB Đức). Đến ngày 31/8/2016, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư để cập nhật khoản 280 nghìn EUR cho đào tạo và bổ sung các loại thuế của dự án nên tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 278 tỷ đồng.
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt, mục tiêu dự án là đầu tư hiện đại hóa Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt (ĐHVTĐS) và các ga lập tàu trên toàn bộ mạng lưới đường sắt Việt Nam, tăng khả năng lập biểu đồ chạy tàu kế hoạch lập tàu khách, tàu hàng, đầu máy toa xe. Từ đó, cho phép tăng năng lực điều hành vận tải đường sắt, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt tốt hơn cho khách hàng.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án này mới đây , Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nguyên nhân gốc rễ do Tổng công ty Đường sắt VN và nhà thầu đã không khảo sát kĩ nên ngay từ đầu không đưa ra được các yêu cầu, lập kế hoạch triển khai sát với thực tiễn đường sắt Việt Nam và chọn phần mềm tiêu chuẩn chưa phù hợp. Để đảm bảo tiến độ, Thứ trưởng Đông yêu cầu Tổng công ty Đường sắt và nhà thầu phối hợp chặt chẽ, linh hoạt để triển khai đồng thời ba gói phần mềm, thống nhất giải pháp tự động xử lý xung đột; Lập lại kế hoạch tiến độ chi tiết, khả thi, xem xét thực hiện các nội dung công việc cần ưu tiên. “Phải hoàn thành bằng được dự án theo đúng tiến độ đề ra, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa điều hành vận tải đường sắt”, Thứ trưởng chỉ đạo. |
“Trung tâm ĐHVTĐS sẽ được đầu tư hiện đại, có khả năng mở rộng kết nối với các hệ thống liên quan trên mạng lưới đường sắt Việt Nam”, ông Thành nói và cho biết, theo quyết định đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2007 đến 2010. Tuy nhiên, đến nay đã kéo dài 10 năm chưa hoàn thành do gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thời gian phải dừng đến 19 tháng để rà soát lại toàn bộ dự án, chủ đầu tư xem xét có triển khai tiếp hay không. Hơn nữa, đây là là lĩnh vực khó, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam trong điều kiện công nghệ đường sắt đơn, lạc hậu...
Ngay cả công tác triển khai của nhà thầu Công ty IVU Traffic Technologies sau khi được phê duyệt thiết kế kĩ thuật vào tháng 9/2015 cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xây dựng phần mềm. Trong khi đó, kế hoạch thực hiện dự án điều chỉnh đã được Bộ GTVT chấp thuận chỉ đến tháng 5/2017; Còn nhà tài trợ KfW gia hạn thời hạn giải ngân đến 30/12/2017.
“Chỉ còn 11 tháng nữa, nhưng dự án vẫn đang rất chậm do đến nay, hệ thống nhà thầu xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất hàng ngày của đường sắt Việt Nam nên chưa được Tổng công ty Đường sắt VN nghiệm thu để triển khai các bước tiếp theo”, ông Thành nói.
Năm 2017 có xong?
Theo báo cáo của Ban QLĐS, đến nay dự án này đã hoàn thành khoảng 95% công tác lắp đặt thiết bị phần cứng tại hiện trường và nâng cấp, cải tạo phòng đặt thiết bị. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác chuyển giao, nghiệm thu Gói phần mềm số 1.
Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt VN Phan Quốc Anh cho biết, hiện chưa thể nghiệm thu do hệ thống chưa thực hiện được yêu cầu đề ra: Lập biểu đồ chạy tàu dài hạn cũng như ngắn hạn, tự động xử lý xung đột khi có các tùy biến.
“Đường sắt ở Việt Nam là đường đơn, chạy chung cả tàu khách và tàu hàng. Hàng ngày, có rất nhiều thay đổi theo thực tế. Hệ thống phải đưa ra được biểu đồ chạy tàu ngắn hạn, tức là lập kế hoạch chạy tàu trước 14h hàng ngày, bao gồm cả kế hoạch vận dụng đầu máy, cắt, nối toa xe dọc đường để triển khai xuống các đơn vị cơ sở. Việc đưa ra được biểu đồ chạy tàu cũng mới chỉ là hành trình, là cái xác thôi, phần hồn là tàu nào lấy hàng hóa nào, ở đâu, loại toa nào, tấn số bao nhiêu, vận chuyển đi đâu, tàu tránh vượt ở đâu, lúc nào... mới là quan trọng”, ông Quốc Anh nói và cho biết, phần mềm tiêu chuẩn mà nhà thầu IVU Traffic Technologies đưa ra được áp dụng rộng rãi ở châu Âu với công nghệ đường sắt hiện đại, khổ 1.435mm, đường đôi, nhưng khi áp dụng tại Việt Nam không phù hợp về công nghệ, thực trạng hạ tầng, phương tiện, điều kiện khai thác chạy tàu thủ công.
Ông Đỗ Viết Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm ĐHVTĐS lại cho rằng, mấu chốt vẫn là hệ thống phải giải quyết, đưa ra được phương án xử lý tối ưu khi có xung đột xảy ra, khi đó mới thực sự đáp ứng mục tiêu tự động hóa, tăng năng suất công việc. Hiện nay, hệ thống chỉ đưa ra được xung đột nhưng không tự động xử lý được, mà vẫn phải giải quyết bằng thủ công.
Để khắc phục những bất cập, đẩy nhanh tiến độ dự án và hoàn thành dự án trong năm 2017 theo đúng kế hoạch, ông Lê Kim Thành đề xuất rà soát lại các tính năng tiêu chuẩn đã hoàn thành ở gói phần mềm số 1 để cập nhật, điều chỉnh phù hợp với điều kiện vận hành thực tế của đường sắt Việt Nam. Nhà thầu cần thực hiện đồng thời với triển khai các chức năng gói phần mềm số 2 và 3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận