Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) |
Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), thành viên Ban Soạn thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi đã nhấn mạnh như vậy trong buổi tọa đàm trực tuyến về BLDS sửa đổi được tổ chức tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng ngày 28/1.
BLDS sửa đổi lần này được đem ra lấy ý kiến nhân dân trong vòng 3 tháng thể hiện vai trò quan trọng của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong việc cho ý kiến về một bộ luật liên quan mật thiết đến đời sống xã hội. Vì thế, đây được đánh giá là một chủ trương rất đúng đắn và sáng suốt.
Nêu quan điểm về việc lấy ý kiến người dân đối với BLDS sửa đổi lần này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho rằng: “Dự thảo luật mà chúng ta có trong tay mới chỉ là sản phẩm của một nhóm người, của những chuyên gia pháp lý, những nhà quản lý, những người hoạt động chính trị, chứ chưa phải trí tuệ của toàn dân Việt Nam. Vì vậy phải lấy ý kiến để người dân Việt Nam với tư cách là người thụ hưởng, người thi hành, người thực hiện bộ luật này có tiếng nói của mình trong đó, để đúng với ý nghĩa xây dựng một bộ luật của dân, vì dân”.
Trước ý kiến cho rằng BLDS là bộ luật đặc thù, mang tính khoa học rất cao, không phải ai đọc cũng hiểu mà chỉ có những người có kiến thức pháp luật mới cho ý kiến được, ông Huệ giải thích: Trong BLDS có rất nhiều vấn đề, có những vấn đề khó, nhưng có những vấn đề rất đời thường, giản dị, gắn liền trực tiếp với quyền lợi của người dân nên người dân hoàn toàn có thể đóng góp ý kiến.
Về vấn đề này, luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - gợi ý người dân nên thông qua mặt trận Tổ quốc để đóng góp ý kiến, còn cơ quan tổ chức lấy ý kiến cần có kênh phản hồi, giải trình rõ những gì tiếp thu và không tiếp thu.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh |
Để đảm bảo hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân, ông Huỳnh cho rằng không nên đưa tất cả các vấn đề để hỏi dân, vì làm thế không khác gì đánh đố dân.
“Theo tôi, nên có một đội ngũ đã qua đào tạo biên soạn lại các câu hỏi trọng tâm để hỏi dân, dân có thể trả lời theo kiểu nên hay không nên. Ngoài ra, nên dùng những từ ngữ hết sức dễ hiểu” – ông Huỳnh đề xuất.
Thay mặt Ban soạn thảo và cơ quan tổ chức lấy ý kiến, ông Vương Đăng Huệ cũng nhấn mạnh việc nghiêm túc tiếp thu ý kiến của dân.
“Đã lấy ý kiến phải tiếp thu đàng hoàng, tránh kiểu hình thức, tiếp thu xuề xòa, kiểu gì cũng xong. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tập trung nhiều cho công tác tiếp thu ý kiến của dân, chúng tôi cũng sẽ có hệ thống tổng hợp, phân tích, chọn lọc và giải trình các ý kiến, kể cả những ý kiến tiếp thu và những ý kiến không tiếp thu” - ông Huệ nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến dự thảo luật này, ông Dương Đăng Huệ nhấn mạnh, BLDS phải cung cấp cho người dân một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền dân sự, để khi dân có vụ việc dân sự ra tòa thì tòa không thể từ chối mà phải bằng mọi cách để giải quyết.
“Trước đây, khi có tranh chấp, nếu hết thời hiệu mà dân không đưa vụ việc ra tòa thì sẽ mất quyền khởi kiện, nhưng với BLDS sửa đổi lần này thì kể cả khi hết thời hiệu, người dân vẫn có quyền khởi kiện ra tòa, và tòa vẫn phải thụ lý và giải quyết” – ông Huệ nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng, ở Việt Nam còn tồn tại một thực tế, đó là nhiều người dân có vụ việc đưa ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền như tòa án, nhưng tòa án cho rằng thiếu sơ sở pháp lý, chưa có pháp luật quy định nên không giải quyết được. Đó là cách ứng xử không phù hợp trong nhà nước pháp quyền.
“Vì vậy, cần quy định trong BLDS sửa đổi, Tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được phép từ chối giải quyết xét xử những vấn đề dân sự của nhân dân” – ông Huỳnh đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận