DIFC 2015 khai mạc tối 28/3. Ảnh BL |
Khách sạn cung không đủ cầu
Như thường lệ, càng đến giờ “khai pháo” DIFC 2015, giá cả các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng... tại Đà Nẵng đều tăng.
Trong vai một người dân Đà Nẵng đi đặt phòng khách sạn cho bạn bè ở xa trong 2 ngày 26, 27/4, PV Báo Giao thông đã đến một số khách sạn trên tuyến đường trung tâm, ven biển, gần khu vực khán đài DIFC 215 Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng... để hỏi thăm về giá cả buồng phòng, nhưng hầu hết "cháy phòng".
11/11 khách sạn được chúng tôi hỏi thăm đều thông báo hết phòng trong 2 ngày diễn ra cuộc thi, hầu hết chỉ còn lác đác vài phòng trống sau ngày 30/4. Tại quầy lễ tân có các bảng niêm yết giá phòng theo quy định của Đà Nẵng.
Anh Đinh Công Huy, quản lý khách sạn Hoa Sao trên đường Phạm Văn Đồng cho biết: “Bây giờ để đặt được phòng khách sạn trong thành phố là điều gần như bất khả thi. Khách sạn của chúng tôi đã chốt phòng trong 2 ngày bắn pháo hoa từ đầu tháng 4. Mấy ngày gần đây du khách nhiều nơi liên lạc đặt phòng nhưng rất tiếc chúng tôi phải từ chối vì đã hết công suất phòng”.
Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng đã ra quy định cho phép các cơ sở lưu trú không tăng giá quá 50% so với ngày thường. Các cơ sở đăng ký tăng giá đã gửi báo giá phòng về cho Sở VH-TT-DL Đà Nẵng trước ngày 15/3. Theo đó, giá 1 ngày đêm tại các khách sạn 3 sao dao động từ 600 ngàn đến 1 triệu, khách sạn 4 sao từ 1-1,5 triệu, tùy phòng đơn hay đôi.
“Lý thuyết” là thế, nhưng trên thực tế, giá phòng nghỉ, khách sạn tăng gấp 1-2 lần. Giá nhà nghỉ lên đến 600-700 đồng/đêm trong khi ngày thường trên dưới 300.000 đồng. Khách sạn càng gần sân khấu pháo hoa cùng bị “thổi giá”.
Nóng dịch vụ ăn uống, di chuyển khách
Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức pháo hoa DIFC 2015, năm nay Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cùng ngành chức năng cấp phép hoạt động cho các chủ tàu thuyền đăng ký chuyên chở khách xem pháo hoa trên sông Hàn.
Theo đó, giá vé xem pháo hoa trên thuyền rồng dao động từ 500-700 ngàn đồng/người/đêm, có kèm nước uống và bữa ăn nhẹ. Các thuyền lớn hơn có giá từ 700-900 ngàn đồng/người/đêm và bao ăn tối. Ngoài ra, những đoàn khách đông người có thể liên hệ bao trọn gói 1 thuyền rồng với mức giá 15 triệu/đêm có kèm ăn uống.
Các dịch vụ lưu trú, thưởng lãm pháo hoa tăng giá. Ảnh Tấn Việt |
“Đêm 28/4 thì đã bán hết vé. Hiện chỉ còn khoảng hơn 10 vé cho đêm 29/4. Nếu anh muốn mua vé thì nhanh lên vì có khi chút nữa quay lại là không còn vé cho anh đâu” - Bà Như Hoa, chủ 1 thuyền rồng có chở khách xem pháo hoa cho biết.
Những ngày qua, lượng du khách đổ về Đà nẵng rất đông. Các hãng taxi trên địa bàn thành phố đều hoạt động hết công suất để chở khách từ sân bay, ga Đà Nẵng... đến các khách sạn và các địa điểm ăn uống nổi tiếng trên đường Hoàng Sa.
Anh Nguyễn Văn Hoàng,1 tài xế taxi Vinasun chia sẻ đầy hào hứng: “Hai năm mới có 1 dịp như thế này. Du khách đi taxi tăng đột biến. Những ngày qua chúng tôi chở rất nhiều lượt du khách đi ra những quán ăn hải sản trên đường Hoàng Sa”.
Cũng theo anh Hoàng, dù phải rất vất vả để tăng cường chạy phục vụ khách có nhu cầu nhưng vẫn rất vui vì thu nhập tăng lên đáng kể, và “thành phố mình đợt này cứ như Tết”.
Trong khi các dịch vụ lưu trú, chuyên chở khách xem pháo hoa thực hiện tốt công tác niêm yết và báo giá đúng quy định của UBND TP.Đà Nẵng, thì các hàng quán ăn uống lại được dịp... tát nước theo mưa, “chém đẹp” du khách. Vào 1 số quán hải sản trên đường Hoàng Sa, cảm nhận đầu tiên là giá cả các món ăn đều được thay mới. Cụ thể, giá 1kg cua biển được thay đổi từ 600 lên 900 ngàn đồng. Sốc hơn, 1kg tôm tít ngày thường có giá 200 ngàn đồng thì bây giờ được chủ quán thay giá là... 800.000/1kg. Khi chúng tôi phản ứng về việc tăng giá vô tội vạ này, chủ 1 quán hải sản cho biết: “Quán nào cũng tăng như vậy thôi. Chúng tôi không tăng thì lại thành ra... phá giá à”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận