Cầu Thuận Phước - một trong những cây cầu độc đáo tạo điểm nhấn hạ tầng giao thông, kiến trúc đô thị, góp phần mở rộngkhông gian đô thị Đà Nẵng - Ảnh: Hải Sơn |
Hạ tầng giao thông Đà Nẵng đã và đang đồng bộ từ hệ thống đối nội đến đối ngoại; Tạo nên sự thay đổi về tầm vóc, quy mô và hiện đại, mở rộng không gian đô thị lên gấp 4 lần. Nhiều công trình giao thông đã trở thành biểu tượng, mang dấu ấn năng động, sáng tạo của TP.
Còn nhớ năm 1997 khi tách tỉnh, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư, chiều dài mạng lưới đường bộ từ quốc lộ đến đường liên thôn, xã trên địa bàn lúc này khoảng gần 425km và 3 cầu (từ 25m trở lên) là các cầu: Đỏ, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi. Phần lớn các tuyến đường có chất lượng kém do nhiều năm không được trung đại tu; Nhiều tuyến đường đô thị chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu vỉa hè, cống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng… Thậm chí 20,87% đường đô thị là đường đất. Nhiều tuyến đường tỉnh chỉ khai thác mùa khô và mới có 9/96km mặt đường được rải nhựa. Các cầu trên tuyến phần lớn được xây dựng từ chế độ cũ, có kết cấu nhịp giản đơn. Ngay ở trung tâm thành phố thời đó, người dân hai bên bờ sông Hàn phải đi lại bằng đò ngang. Mạng lưới giao thông đối ngoại gồm 2 tuyến QL1A và QL14B quá nhỏ nên thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông.
Để phát triển Đà Nẵng, yêu cầu bức thiết được đặt ra là phải đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, công tác huy động vốn ngân sách địa phương, T.Ư và các nguồn lực xã hội, khai thác quỹ đất… ngành GTVT triển khai nhanh, mạnh việc xây dựng, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Ngay trong năm đầu tiên chia tách tỉnh, ngành đã triển khai trên 40 công trình giao thông và liên tục trong những năm sau đó, mỗi năm đều triển khai thêm rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, với quy mô lớn và hiện đại hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo Đà Nẵng gần như thay đổi hẳn, mạng lưới đường bộ phát triển nhanh, đồng bộ theo hướng hiện đại. Hàng loạt công trình giao thông mang dấu ấn, thương hiệu riêng cho Đà Nẵng.
Năm 2000, khi cầu quay Sông Hàn hoàn thành, đánh dấu sự bứt phá lớn cho hạ tầng giao thông Đà Nẵng. Đúng 9 năm sau, cầu Thuận Phước - cầu treo dây văng lớn nhất cả nước được khánh thành (năm 2009). Tiếp đó, ngày 29/3/2013, TP khánh thành cùng lúc 2 cây cầu (Rồng và Trần Thị Lý) có thiết kế độc đáo… không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hai bờ sông Hàn mà còn tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị. Mới đây, cầu vượt ngã ba Huế - cầu vượt 3 tầng khác mức có quy mô lớn nhất nước được đưa vào sử dụng, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Bắc TP. Ngoài ra, Đà Nẵng có khá nhiều cây cầu khác mang trọng trách kết nối, mở rộng không gian đô thị TP và là cú hích cho KT-XH TP phát triển, như cầu Tiên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương bắc qua sông Cẩm Lệ, nối liền trung tâm TP với khu vực Đông - Nam Đà Nẵng…
Tính đến cuối năm 2016, chiều dài mạng lưới đường bộ là 1.224,09 km (quốc lộ 119,3km, đường tỉnh 75,2km, đường đô thị 918,86 km, đường liên xã 64,6km và đường giao thông nông thôn 46,1 km). Hầu hết là đường bê tông nhựa và được xây dựng đồng bộ với hệ thống thoát nước, hè đường, chiếu sáng, cây xanh. Từ 3 cầu (trên 25m dài) năm 1997, đến nay Đà Nẵng có 41 cầu với tổng chiều dài hơn 10,7km.
20 năm qua, hạ tầng giao thông Đà Nẵng phát triển đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, bứt phá đi lên từ giao thông đối nội đến giao thông đối ngoại, góp phần tạo nên sự thay đổi về tầm vóc, quy mô và diện mạo của TP. Trong đó, các trục giao thông hướng tâm, cửa ô, các nút giao cắt, đường vành đai được cải tạo, nâng cấp và xây mới đã bước đầu nâng cao năng lực thông qua tại đô thị. Từng con đường, cây cầu, tuyến phố đáp ứng nhu cầu đi lại và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân TP, đặc biệt dân cư bờ Đông sông Hàn, vùng rốn lũ Hòa Xuân... Cùng với đó, hệ thống giao thông nông thôn và kiệt hẻm cũng được quan tâm. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa và nhựa hóa, giúp kết nối thông suốt mạng lưới giao thông đến các xã, các thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của nông dân. Hiện, 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông.
Mặt khác, hạ tầng giao thông đối ngoại được các bộ, ngành T.Ư đầu tư mở rộng nâng cấp và xây dựng mới như QL1, Hầm đường bộ Hải Vân, đường tránh Nam hầm Hải Vân, QL14B, cầu Tiên Sơn, nút giao thông khác mức Hòa Cầm, Ngã ba Huế… và đang triển khai các công trình lớn như: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, nâng cấp cảng Tiên Sa - giai đoạn 2, nâng cấp mở rộng CHK quốc tế Đà Nẵng, đường QL14B (giai đoạn 2), QL14D, QL14G, đường vành đai phía Tây (đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh)… Ngoài ra, nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, TP đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình Hầm vượt sông Hàn và đầu tư cải tạo, nâng cấp một số nút giao thông trọng điểm; Đầu tư xây dựng các hệ thống giao thông ngầm trên địa bàn: Nút giao Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ, nút giao thông ngầm phía Tây cầu Sông Hàn…
Giao thông - đô thị Đà Nẵng dưới góc nhìn chuyên gia
TS. Trần Du Lịch (Trưởng nhóm tư vấn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung): Đà Nẵng là mẫu TP ấn tượng trong sự phát triển đô thị VN ở cả tầm nhìn quy hoạch về đô thị và giải quyết bài toán giao thông đô thị. Khoảng 10 năm sau khi Đà Nẵng tách tỉnh, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư, lúc ấy chính quyền mở rộng đường có người bảo quá lãng phí khi thành phố chỉ có mấy trăm nghìn dân. Nhưng nếu không quyết sách, quyết liệt sao có Đà Nẵng như hôm nay và thực tế hạ tầng giao thông TP minh chứng cho tầm nhìn giao thông đô thị chiến lược. Với giao thông, tôi ấn tượng đặc biệt với việc phát triển hệ thống cầu qua sông Hàn. Đà Nẵng làm cầu qua sông Hàn không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà gắn với kiến trúc đô thị. Nghĩa là mỗi một cây cầu là một công trình kiến trúc mỹ thuật tạo dấu ấn cho thành phố chứ không phải đơn thuần đó chỉ là một sản phẩm công trình giao thông, chỉ để nhằm mục đích đi lại… Yên Trang (Ghi) TS. Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN): Đến nay, Đà Nẵng đã phát triển theo đúng hướng mà mọi người mong đợi: Một đô thị biển theo xu hướng hiện đại, hội nhập quốc tế và liên kết vùng, một thành phố đáng sống, đang có thế vươn mạnh mẽ, với tầm vươn đã định hình… Với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của T.Ư, Đà Nẵng đã có một “cơ ngơi hội nhập” gọi là tạm ổn: Sân bay quốc tế của vùng đang được nâng cấp và hiện đại hóa, cảng biển với tên gọi đầy chất lãng mạn “Tiên Sa” đang tiên phong cải tạo với cách tiếp cận tái cơ cấu mang tính độ phá. Cùng với đó, các tuyến giao thông liên kết, tuyến đường dọc biển, tuyến nối Đà Nẵng với các địa phương miền núi, Tây Nguyên được nâng cấp, từng bước đồng bộ hóa, hình thành mạng lưới kết nối vùng, tạo cơ sở để xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của vùng. Đà Nẵng cần phát huy, chứng tỏ năng lực, tận dụng tiềm năng và lợi thế để thực thi sứ mệnh Trung tâm - thủ phủ của vùng duyên hải miền Trung. Trong đó với hạ tầng giao thông cần nhanh chóng xây dựng và phát triển trung tâm logistics vùng, gắn với cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Ngân Hà (Ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận