Cầu vượt qua QL14B thuộc dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng không thể triển khai do vướng mặt bằng
Vướng 1 hộ dân, “tắc” thi công cầu vượt qua QL14B
Ngày 17/3, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực thi công cầu vượt qua QL14B thuộc dự án đường vành đai phía Tây TP Đà Nẵng (thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chứng kiến cảnh công trường vắng lặng. Từ vị trí thi công cầu vượt về hướng Tây Bắc, con đường vành đai vừa mới hình hài, không có bóng dáng công nhân, máy móc thi công.
Từ mép QL14B về trụ thứ 2 của cầu vượt hơn trăm mét, một lô đất chưa được bàn giao mặt bằng án ngữ. Đây là hồ sơ GPMB duy nhất còn sót lại làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cầu vượt.
Tìm hiểu của PV, phần mặt bằng còn vướng này sau nhiều lần làm việc, vận động nhưng không được, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã ký quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Theo UBND huyện Hòa Vang, dự án tuyến đường vành đai phía Tây thành phố (dài 19,3km, tổng mức đầu tư 1.134 tỷ đồng) đi qua địa bàn 5 xã với 1.602 hồ sơ giải tỏa. Đến nay vẫn còn 275 hồ sơ chưa thể GPMB, trong đó có 256 hồ sơ đất ở.
Mới đây, Thanh tra TP Đà Nẵng đã công bố quyết định thanh tra việc thực hiện dự án tuyến đường vành đai phía Tây thành phố đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1). Mục đích thanh tra nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ dự án.
Đường vành đai phía Tây TP Đà Nẵng không phải là dự án duy nhất của Đà Nẵng chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Cao tốc La Sơn - Túy Loan với tổng mức đầu tư gần 11,5 nghìn tỷ đồng sau nhiều năm thực hiện vẫn vướng mặt bằng.
Đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án vướng hàng trăm hồ sơ giải tỏa làm ảnh hưởng đến hiệu quả thi đầu tư khiến đoạn tuyến này phải dừng triển khai, tiếp tục khai thác theo quy mô hiện trạng.
Đoạn La Sơn - Hòa Liên cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn vướng mặt bằng của 15 hộ dân nên chưa thể thi công 3 mương nước và 3 đường gom trên tuyến. Vừa qua đơn vị đã mời 15 hộ dân này lên nhận tiền bồi thường GPMB nhưng chỉ có 1 hộ dân đến nhận.
Lo ngại tái định cư… trên giấy
Đường vành đai phía Tây TP Đà Nẵng mới chỉ thi công được 37,1% giá trị hợp đồng
Theo tìm hiểu, có 77 hồ sơ mặt tiền QL14B nằm trong diện giải tỏa phục vụ dự án. Báo cáo của UBND huyện Hòa Vang đưa ra phương án giải quyết là sẽ tập trung vận động các hộ dân có nhà đất thuộc diện thu hồi đi hẳn còn lại nhận tiền trong tháng 3/2021. Thế nhưng, đến nay nhiều hộ dân vẫn “mù tịt” về phương án tái định cư.
Bà H. (trú thôn Hương Lam) cho biết: “Khi công trình đường vành đai phía Tây thành phố khởi công tại khu vực gần nhà, tôi mới biết nhà mình nằm trong diện giải tỏa xây dựng nút giao đường vành đai - QL14B. Tuy nhiên, đến gần hết tháng 3/2021, chúng tôi chưa nghe thông báo gì về phương án tái định cư từ chính quyền”.
“Ban GPMB đã đến đo đạc, áp giá bồi thường nhà đất nhưng chúng tôi không biết sẽ tái định cư ở đâu. Người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhưng phải có phương án tái định cư cụ thể, tránh việc giao đất xong lại không có đất mới làm nhà”, bà H. lo lắng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban GPMB huyện Hòa Vang cho hay, trước đây, để tận dụng nguồn vốn nên dự án phê duyệt sớm dẫn đến thời gian triển khai thực hiện ít đi chứ không thể nói là chậm tiến độ.
“Hiện nay đang tập trung vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng và đã giải quyết được 50%. Còn một số hộ chưa đồng tình do chưa có đất tái định cư. Trong khi đó, quy hoạch khu tái định cư chậm, đến nay chỉ mới xong hồ sơ, chưa triển khai thi công được các dự án tái định cư. Người dân thì yêu cầu phải có đất tái định cư mới bàn giao mặt bằng”, ông Ngạnh cho biết.
Cũng theo ông Ngạnh, Hội đồng GPMB xin thành phố cho bố trí tái định cư trên sơ đồ. Hộ nào có nhu cầu thì nhận lô đất trên sơ đồ đó, thành phố lo tiền thuê nhà cho người dân đến khi có đất tái định cư. Sau khi có đất, sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 6 tháng thuê nhà để người dân xây nhà.
Dự án đường vành đai phía Tây (giai đoạn 1) do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, có điểm đầu tại QL14B, điểm cuối tại Km 19+177 nối trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).
Tổng chiều dài toàn tuyến là 19,3km với tổng mức đầu tư 1.134 tỉ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách TP Đà Nẵng. Tuyến đường này được khởi công tháng 10/2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang ngổn ngang, mặt đường mới chỉ được đắp đất, chưa hoàn thiện công tác lu lèn. Đến nay, dự án mới thực hiện được 213/574 tỷ đồng, chưa bao gồm kinh phí dự phòng, tương đương 37,1% giá trị hợp đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận