Khi dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng gần như bị mất dấu, các ca bệnh liên tiếp tăng, đội quân áo trắng trong các cơ sở y tế và ngoài cộng đồng đã và đang gác lại những lo toan thường nhật, nỗi nhớ người thân để bước vào cuộc chiến đầy cam go, thách thức với “kẻ thù giấu mặt”…
Thương nhớ con mà không dám lại gần vì sợ lây
Trở về trạm y tế phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) khi trời đã quá trưa, BS. Ngô Thị Thùy, Trạm trưởng trạm y tế phường Hòa Hải cùng nhân viên y tế ăn vội bát cơm lót dạ.
Lúc ăn cơm, mọi người tranh thủ trao đổi, bàn bạc về công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khai báo y tế phòng chống dịch bệnh nơi khu dân cư mình phụ trách.
Những câu chuyện kể, những tiếng cười vui như xóa tan sự mệt nhọc sau chuyến lăn lộn đến từng căn nhà, từng ngõ phố trải rộng trên một địa bàn vùng ven biển rộng lớn.
“Hôm nay, mấy chị em tranh thủ về trạm vừa ăn cơm, vừa trao đổi tình hình công việc, chứ mấy hôm trước đi kiểm dịch, có khi người dân cho cơm ăn, có khi tạt qua chốt kiểm soát ăn tạm. Gần 1 tuần nay, cán bộ, nhân viên y tế trạm gần như trực chiến 24/24h, bữa cơm nhà là chuyện xa xỉ”, BS. Thùy chia sẻ.
Ngay sau khi phường Hòa Hải xuất hiện 2 ca bệnh Covid-19, chính quyền đã thiết lập chốt cách ly tại 2 khu vực dân cư này và tiến hành xác minh các trường hợp tiếp xúc F1 với bệnh nhân để đưa đi cách ly theo quy định.
Hiện phường Hòa Hải đã tiến hành phong tỏa 6 khu dân cư, lập các chốt tại các tuyến đường ra vào khu dân cư. Cùng với đó, thành lập 39 tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 trực chiến hoạt động 24/24h với các lực lượng y tế, dân quân, công an, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên.
Chồng bác sĩ Thùy cũng là bác sĩ làm việc ở Bệnh viên C, nơi đang bị phong tỏa. Từ ngày Đà Nẵng bùng phát dịch bệnh, anh chị chưa gặp lại nhau. Một mình bác sĩ Thùy cáng đáng chăm lo 2 con nhỏ, vừa lăn lộn đến từng nhà dân, từng ngõ phố lo công tác phòng dịch.
“May mắn là đến ngày hôm nay, sức khỏe mọi người trong gia đình đều vẫn bình thường. Nhưng để phòng bệnh cho các con, người thân, cả tuần nay, mỗi khi về nhà cũng không dám tiếp xúc với con. Mẹ con ngồi cách xa nhau nói chuyện, không nằm ngủ chung.
Các con nhớ bố cũng chỉ gọi điện thoại khi bố nghỉ ca trực. Lúc nào kết thúc cuộc nói chuyện, bố con ai cũng rơm rớm nước mắt, hẹn ngày hết dịch, bố về…”, giọng bác sĩ Thùy nghèn nghẹn.
Vừa trực chiến, vừa giúp dân
Cả tuần nay, ông Huỳnh Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, ngoài thời gian lăn lộn đến các chốt kiểm soát dịch, chỉ đạo xử lý “nóng” các tình huống phát sinh, tối lại tự cách ly tại phòng làm việc, chưa một lần về thăm nhà.
Vậy mà, khi nói về sự nỗ lực, ông Trung chỉ nhắc đến đội ngũ y tế dự phòng địa phương, lo lắng, chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi của họ.
“Với suy nghĩ “chống dịch như chống giặc”, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, những ngày qua, mỗi một thành viên trong tổ công tác luôn làm việc gấp 2, gấp 3 sức lực.
Những công việc lo toan gia đình đành gác lại để lao vào trận chiến chống dịch. Những bát mỳ tôm ngay tại chốt kiểm soát hay ở cơ quan thay cho những bữa cơm gia đình. Tất cả những nỗ lực của các thành viên đều chung một mong ước, Đà Nẵng sớm đẩy lùi dịch bệnh”, ông Trung bày tỏ.
Trước tình hình số lượng F1 tiếp xúc với người bệnh tăng đột biến, tại Đà Nẵng đã xuất hiện những thông tin sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Mặc dù các văn bản thông báo về công tác phòng chống dịch hết sức cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên, khi đến người dân thì lại rộ lên những thông tin thất thiệt.
Ví như, ngày 30/7, khi có thông báo yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về tạm dừng hoạt động, trong cộng đồng lại rộ lên thông tin chợ sẽ bị đóng cửa, dẫn đến người dân ồ ạt đi mua tích trữ lương thực.
Hay như, ngay sau khi Đà Nẵng công bố bệnh nhận 416 (bệnh nhân đầu tiên ở Đà Nẵng khi dịch bùng phát trở lại), các thành viên trong 13 tổ công tác phòng chống dịch ở phường gác lại mọi công việc, khẩn trương đến từng nhà, ngõ phố, khu dân cư để rà soát, khoanh vùng dịch bệnh, cũng như giải thích cho bà con nhân dân yên tâm, hiểu rõ”.
Không chỉ tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh, các thành viên trong tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 ở các phường/quận tại Đà Nẵng còn tham gia các hoạt động giúp người dân, giúp đỡ du khách, sinh viên an tâm, phòng ngừa dịch bệnh.
Cụ thể, khi nhận được thông tin trường hợp 2 vợ chồng bác sĩ đều công tác trong Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa, gia đình còn bố mẹ già và 2 con nhỏ đề nghị được giúp đỡ, các thành viên trong tổ công tác phường Nại Hiên Đông cũng đã có mặt kịp thời động viên, chăm sóc.
Hay khi phát hiện 3 trường hợp (chị Lê Thị Diễm My, quê Đồng Tháp; chị Trần Thị Như Ý, quê An Giang; chị Vũ Thị Tâm, quê Nghệ An) là khách du lịch bị mắc kẹt, ngay trong đêm, lực lượng công an phường Thanh Khê Đông đã vận động các thành viên trong Câu lạc bộ chủ nhà nghỉ, khách sạn cung cấp chỗ ở miễn phí cho các du khách trên trong 15 ngày thực hiện lệnh cách ly xã hội.
Những việc làm, những nỗ lực của hàng trăm, hàng nghìn thành viên trong tổ công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP Đà Nẵng như là một hậu phương vững chãi cho trận tuyến với dịch Covid-19.
“Bên trong bệnh viện, bên giường bệnh, các bác sĩ đang đối mặt với nguy hiểm, cứu chữa cho các bệnh nhân, họ có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.
Nếu so với những việc làm của chúng tôi ở đây thì có đáng gì, miễn sao chỉ mong các bác sĩ yên lòng, bền chí cứu chữa bệnh nhân, chiến thắng dịch bệnh. Để mong sao mọi người dân cùng hiểu rõ, đồng lòng, sát cánh, chung sức với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đẩy lùi dịch bệnh”, ông Huỳnh Quang Trung chia sẻ.
Phải thành lập ngay tổ giám sát Covid-19 cộng đồng
Theo PGS. TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế đang hoạt động tại Đà Nẵng, phải thành lập ngay tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, mỗi tổ phụ trách số hộ dân nhất định.
Phải tuyên truyền cho người dân không cho ai gặp nhau, không đến nhà ai và không cho ai đến nhà mình. Các tổ phải giám sát chặt chẽ, khi phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu sốt, ho, có đờm, chán ăn phải báo cáo để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.
“Phải làm thật quyết liệt, gõ cửa từng nhà, truyên truyền để người dân tự giác chấp hành. Những người dân sinh sống trên địa bàn có người nhiễm Covid-19 phải thường xuyên đo nhiệt độ, nếu có dấu hiệu phải đưa đi cách ly khẩn trương. Việc lây lan trong cộng đồng cực kỳ nguy hiểm, do vậy cần kiểm soát gắt gao”, ông Dương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận