Vận tải

Đà Nẵng nở rộ taxi Grab chui

02/03/2017, 08:01
image

Không phù hiệu, không được chấp thuận thí điểm ứng dụng GrabCar… nhưng nhiều phương tiện trên địa bàn Đà Nẵng vẫn hoạt động...

6

Ô tô dùng GrabCar chở khách từ đường Pasteur đi ga Đà Nẵng sáng 20/2

Grabcar chui: Gọi đâu có đó

Liên tiếp những ngày cuối tháng 2, PV Báo Giao thông trong vai hành khách gọi đặt xe GrabCar trên ứng dụng điện thoại thông minh và dễ dàng nhận được thông báo từ tổng đài điều phương tiện tới đưa đón. Đơn cử, sáng 20/2, chưa đầy 5 phút vào ứng dụng GrabCar, xe ô tô BKS 43A - 212.XX đón PV tại đường Pasteur (quận Hải Châu, Đà Nẵng) để chở đi ga Đà Nẵng. Tài xế gọi lại cho PV xác nhận hành trình và có mặt tại điểm hẹn ngay sau đó theo yêu cầu. Trên đường ra ga Đà Nẵng, tài xế cho biết, giá dịch vụ 11.000 đồng/km, rẻ hơn so với cước taxi thông thường. Theo người này, giá rẻ như vậy nhưng phải giữ kín để “dễ cạnh tranh với taxi truyền thống”.

Ban ATGT Đà Nẵng cho biết, từ ngày 12/1 - 23/2, TTGT Đà Nẵng xử phạt 49 xe khách vi phạm các quy định vận tải. Tổng số tiền phạt 115 triệu đồng, tước 16 GPLX, tước phù hiệu 2 tháng với 3 trường hợp. Đặc biệt, TTGT xử phạt 8 xe không hợp đồng vận chuyển (trong đó, 3 xe nghi ngờ GrabCar), 2 xe không có phù hiệu, 3 xe thu gom khách dọc đường và 1 xe Hạnh Café có hành vi đặt chỗ cho hành khách đối với ô tô khách kinh doanh vận tải theo hợp đồng (phạt 5 triệu đồng, tước phù hiệu 2 tháng).

Đến trưa 20/2, PV tiếp tục đặt xe qua ứng dụng GrabCar hành trình từ đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) về đường Pasteur. Lần này, xe đến đón BKS 43A - 248.XX và chuyến đi kết thúc với giá cước 18.000 đồng cho chặng đường hơn 1,5km.

Theo quan sát của PV, 2 xe nói trên không hề khác các phương tiện cá nhân bình thường, không có hình thức nhận diện xe GrabCar hay kiểu taxi. Đặc biệt, các xe này không hề có phù hiệu vận tải khách theo quy định, nhận và chở khách như taxi thông thường. So với taxi truyền thống, cái khác chỉ về giá cước và độ nhanh nhạy. Với ứng dụng GrabCar trên điện thoại, chỉ cần một thao tác nhập điểm đi - điểm đến, hàng loạt xe GrabCar hiển thị sẵn sàng phục vụ. Đặc biệt, tại các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng, có vị trí hiển thị hàng chục xe chờ sẵn, trong đó có cả dịch vụ GrabCar 7 chỗ và GrabTaxi.

“Nghe nói thành phố chưa cho nhưng mình đã đầu tư phương tiện, hợp tác với phía công ty nên cứ vậy chạy thôi. Giá cước này bên GrabCar hưởng một phần, còn lại phần nhiều cho tài xế chúng tôi”, anh Tuấn, một tài xế chạy GrabCar “chui” nói. Theo tìm hiểu của PV, từ giữa tháng 2, UBND TP Đà Nẵng có văn bản nêu rõ chưa thí điểm sử dụng GrabCar vì lo ngại phá vỡ quy hoạch 1.700 xe taxi, gia tăng ùn tắc, kẹt xe… Mới đây, Sở GTVT Đà Nẵng tiếp tục có văn bản yêu cầu TTGT (Sở GTVT) tăng cường TTKS, xử phạt các hoạt động vi phạm quy định kinh doanh vận tải khách, trong đó đặc biệt chú ý dịch vụ GrabCar.

Xem thêm video:

7

Dễ dàng tìm và đặt các xe GrabTaxi, GrabCar trên địa bàn Đà Nẵng bằng ứng dụng Grab (Ảnh chụp màn hình) - Ảnh: Tấn Việt

Lách luật

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho hay, theo quy hoạch đến năm 2017, Đà Nẵng sẽ có 1.700 đầu xe taxi truyền thống của các đơn vị kinh doanh. Các doanh nghiệp taxi phải tuân thủ theo quy hoạch Nhà nước này. Tuy nhiên, GrabCar lợi dụng danh nghĩa thí điểm “ứng dụng kết nối vận chuyển hành khách theo hợp đồng”, nhưng thực chất là “đánh tráo khái niệm”, lách luật và vận chuyển hành khách bằng taxi sẽ dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, cạnh tranh không công bằng, tiềm ẩn nguy cơ quá tải phương tiện công cộng, ùn tắc giao thông trên địa bàn…

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa (Đà Nẵng) phân tích: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động taxi là cần thiết và bản thân các doanh nghiệp taxi truyền thống đang nỗ lực để triển khai. Nhưng bản chất vấn đề giảm cước phí của GrabCar không phải do công nghệ mà phụ thuộc vào cơ chế thuế, quản lý doanh thu của cơ quan chức năng. Trong khi giá cước taxi truyền thống phải gánh chịu nhiều loại thuế cao như: Thuế giá trị gia tăng 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Uber và Grab đang được hưởng mức thuế doanh thu chỉ 3% trên 80% doanh thu. Do vậy, thực chất Uber và Grab đang được hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên doanh thu và 1,6% thuế thu nhập.

Theo ông Nhân, với taxi truyền thống, cơ quan chức năng có thể truy tận gốc doanh thu và nộp thuế cho Nhà nước, với phần mềm ứng dụng và hợp đồng điện tử, Nhà nước khó có cơ sở để quản lý được doanh thu. Cùng với đó là nhiều hệ lụy: Tính bảo mật, an ninh cho khách hàng, thông tin, lộ trình không thể kiểm soát, bất lợi trong công tác điều tra, phá án của cơ quan chức năng, ANTT…

Lo bến cóc, xe dù taxi

Theo ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó chánh TTGT Đà Nẵng, Đà Nẵng chưa cho phép dùng ứng dụng GrabCar làm hợp đồng điện tử nhận chở khách nên TTGT xử phạt theo hành vi không có hợp đồng vận chuyển khách. Trong ngày 9/2, TTGT đã phát hiện, lập biên bản 2 trường hợp GrabCar (có phù hiệu) với lỗi trên, xử phạt mỗi tài xế 1 triệu đồng, tước GPLX 1 tháng. Ngoài ra, theo quy định, các xe không có phù hiệu tham gia GrabCar có thể bị phạt đến 4 triệu đồng đối với tài xế, 5 triệu đồng với chủ xe.

Ông Hoàng cho biết thêm, việc điều tra, tổng hợp các chứng cứ để chứng minh một tài xế vi phạm rất khó khăn. TTGT phải trực tiếp tải ứng dụng GrabCar, thực hiện đặt xe và đi thử để thu thập bằng chứng, lập biên bản vi phạm hành chính.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT Đà Nẵng, một số xe GrabCar xuất hiện trên địa bàn, tự ý tổ chức đưa đón vận tải hành khách, hoạt động “chui” nên lực lượng chức năng phải theo dõi để phát hiện và xử phạt, tương tự như các trường hợp xe dù, bến cóc đang tồn tại ở một số khu vực của Đà Nẵng. Sở GTVT Đà Nẵng khẳng định: Công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải hành khách không có giấy phép như vậy thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan chức năng, không có gì vướng mắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.