Thời sự

Đà Nẵng nói gì về việc “chảy máu nhân tài”?

25/05/2018, 18:56

Chiều 25/5, TP.Đà Nẵng tổ chức họp báo về việc gần đây có 40 học viên Đề án 922 đã xin thôi việc.

Trung tâm HC TP Đà Nẵng

TP Đà Nẵng có 40/460 học viên tốt nghiệp đã được bố trí công tác, thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bỏ việc.

Tại cuộc họp báo, sở Nội Vụ TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua Đà Nẵng có 40/460 học viên tốt nghiệp đã được bố trí công tác, thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có đơn xin nghỉ việc. Lý do được nêu ra trong đơn chủ yếu là vì yếu tố gia đình, tức là vợ - chồng không ở Đà Nẵng nên phải sum họp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng thì thẳng thắn nhìn nhận rằng, vấn đề thu nhập mới là nguyên nhân lớn nhất khiến các học viên xin nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nội Vụ TP Đà Nẵng cho rằng: Với số lượng xin ra khỏi đề án, theo tôi đó không phải là số lượng nhiều, trong tầm kiểm soát của đề án. Khi xây dựng đề án, TP cũng đã lường hết những việc đó rồi. Thứ 2 là việc chuyển dịch lao động giữa khu vực công và tư là bình thường. Tuy nhiên phải đặt vấn đề là với những bạn tham gia đề án đào tạo nguồn nhân lực, với trình độ đào tạo như thế thì việc các bạn ra đi là điều đáng tiếc, nó cũng là điều đáng suy nghĩ. Theo tôi nguyên nhân các bạn này ra đi cũng tương tự như các khu vực công khác chứ không riêng gì là học viên của đề án.

IMG_8371

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nội Vụ TP Đà Nẵng tại buổi họp báo chiều 25/5.

Theo ông Chiến, TP Đà Nẵng khác với những địa phương khác, khi tự nguyện tham gia đề án, học viên  cùng với Thành phố sẽ ký kết hợp đồng dân sự, mọi việc phát sinh ra thì căn cứ trên đó để giải quyết. TP sẽ cam kết quyền lợi cho học viên khi tham gia đề án là được nhận học bổng khi đi học, bố trí việc làm sau khi ra trường, đồng thời bố trí vào khối công chức viên chức. Và điều kiện TP đặt ra cho các học viên  sau khi học xong để được bố trí công việc thì học viên phải có bằng tốt nghiệp loại khá trở lên, chấp hành đúng luật pháp của nước sở tại khi đi học. Sau khi ra trường phải làm việc cho nhà nước trong vòng 7 năm. Khi học viên muốn ra khỏi đề án phải bồi hoàn kinh phí, tùy hành vi mà có mức bồi hoàn khác nhau.

“Việc số lượng học viên ra khỏi đề án trước hết phải có trách nhiệm về tài chính đối với đề án. Suy cho cùng thì đó là tiền ngân sách từ nguồn thuế của người dân, nhà nước đã đầu tư cho bạn đi học thì nếu bạn không thực hiện đúng cam kết thì bạn phải bồi hoàn theo đúng quy định của nhà nước. Hầu hết các bạn đi ra khỏi đề án đều làm tròn nghĩa vụ về tài chính, trừ vài trường hợp khó khăn quá chưa thể hoàn trả được, số này rất ít. Và nếu không bồi hoàn theo đúng cam kết ban đầu thì sẽ bị khởi kiện ra tòa theo đúng quy định. Hiện nay TP đã thu được 89 tỷ đồng do học viên hoàn trả sau khi phá vỡ hợp đồng”, ông Chiến cho biết thêm.

Để tránh những trường hợp học viên của đề án sau khi đào tạo lại bỏ việc, sắp tới TP Đà Nẵng sẽ có kế hoạch không cử học sinh đào tạo nữa, mà sẽ đào tạo sau đại học đối với các công chức đang công tác để đúng ngành nghề đang làm việc sẽ đúng hơn, phù hợp hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.