Ông Lê Văn Trung khẳng định buýt nhanh BRT được nhiều nước triển khai song song với tàu điện và các phương tiện giao thông công cộng khác. Ảnh: Tấn Việt |
Mở đầu phiên chất vấn Sở GTVT Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thành Tiến cho rằng nhiều nước trên thế giới chỉ coi buýt nhanh BRT là dự án quá độ, tuổi thọ các dự án thường ngắn và không phù hợp với hệ thống giao thông, thói quen tham gia giao thông còn nhiều bất cập ở Việt Nam hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung nhấn mạnh: BRT là cách thức giải quyết giao thông công cộng hiệu quả mà nhiều nước đang áp dụng. Trong lúc chuẩn bị di dời ga Đà Nẵng ra ngoại ô, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng góp ý Đà Nẵng nên nhanh chóng triển khai BRT để kết nối trung tâm thành phố đi ga Đà Nẵng thuận tiện.
“Nằm trong gói tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB) về đầu tư BRT còn có Hà Nội và TP.HCM. Theo thông tin tôi có được, Hà Nội đã thống nhất triển khai BRT từ cuối tháng 12/2016. TP.HCM đang triển khai, dự kiến đưa vào sử dụng giữa năm 2019” – ông Trung cho hay.
Ông Lương Thạch Vỹ, Trưởng ban Quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án BRT) cho biết, BRT chỉ là một trong nhiều phương thức giao thông công cộng (như buýt thường, tàu điện…) và hoàn toàn không phải là dự án quá độ như các đại biểu lo lắng.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nước trên thế giới vẫn đang đầu tư BRT. Đánh giá chung, loại hình này linh hoạt, hoạt động ổn định lâu dài. BRT cũng chạy trên làn đường riêng nên ít ảnh hưởng đến các phương tiện khác” – ông Vỹ khẳng định.
Được biết BRT Đà Nẵng nằm trong hợp phần 2 của dự án Phát triển bền vững do WB tài trợ với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2019.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận