Xã hội

Đà Nẵng: Sau vỡ đập, dân kêu trời vì cứ mưa là ngập

05/12/2024, 09:00

Hơn 2 năm sau sự cố vỡ đập Hố Dư, đến nay nhiều hộ dân thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn đang kêu trời bởi khu dân cư thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa.

Cứ mưa lớn là ngập

Cách đây hơn 2 năm, đập Hố Dư bị vỡ trong đợt mưa lũ lịch sử vào giữa tháng 10/2022. Đến nay, các khu dân cư của thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) nằm ở hạ lưu con đập thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mưa lớn.

Đà Nẵng: Sau vỡ đập, dân kêu trời vì cứ mưa là ngập- Ảnh 1.

Mưa lớn gây ngập tại thôn Thạch Nham Đông hồi đầu tháng 11/2024.

Người dân khu vực này vẫn nhớ như in cảnh nước dâng cuồn cuộn vào đêm 14/10/2022. Chỉ trong vài phút, nước đã dâng cao cả mét. Trong đêm, một em bé bị nước lũ cuốn trôi, may mắn được người dân phát hiện cứu kịp thời.

Nhà bà Đỗ Thị Thanh Hoa (thôn Thạch Nham Đông) nằm ở đầu một con hẻm. Đợt sạt lở đập Hố Dư khiến nhà của bà bị đổ sập, tài sản bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn. Bà Hoa nói, cứ thấy mưa lớn, nước phía trên đổ về lại thấy thấp thỏm.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó thôn Thạch Nham Đông cho hay, từ khi đập Hố Dư bị vỡ đến nay, mỗi khi mưa lớn thì nước lại tràn xuống khu vực dân cư, người dân tổ 2 và tổ 3 của thôn đã quá quen thuộc với tình trạng này trong 2 năm qua. Mới đây, nhất là đợt mưa ngày 5/11 làm 13 hộ bị ảnh hưởng, có nơi nước dâng đến gần 1m.

Ghi nhận của PV, khu dân cư thuộc tổ 2 của thôn Thạch Nham Đông là nơi trũng thấp. Cùng với đường bê tông của kiệt là một đường cống thoát nước có bề rộng chưa đến 1m. Do cống thoát nước nhỏ nên nước không thoát kịp dẫn đến ngập lụt. Mặt khác, đây là cống nước lộ thiên nên rất nguy hiểm nếu có người không may trượt ngã.

Ông Hùng cho biết, hồ Hố Dư trước đây là hồ tự nhiên, người dân địa phương từng xây một đập nhỏ để ngăn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau sự cố vỡ đập Hố Dư, lượng nước mưa không còn được giữ lại trên đập mà đổ xuống khu dân cư ở hạ lưu hồ chứa. Trong khi đó, cống thoát nước ở thôn Thạch Nham Đông có khẩu độ nhỏ, không bảo đảm thoát nước nên dẫn tới tình trạng ngập lụt.

"Khi có thông tin về chủ trương đầu tư hệ thống thoát nước toàn khu vực, người dân hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng ngập nặng. Tuy nhiên, trong mùa mưa năm 2023, tại đây tiếp tục bị ngập nặng", ông Hùng đề xuất.

Triển khai giải pháp thoát nước tại 3 vị trí

Theo ông Nguyễn Đăng Tường, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, xã có kiến nghị UBND huyện Hòa Vang và huyện kiến nghị thành phố có chủ trương đầu tư cống có khẩu độ lớn qua đường Trường Sơn vì cống hiện tại không bảo đảm. Để hạn chế ngập, trước mắt xã phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hạ thấp vỉa hè, về lâu dài cần cống thoát nước.

Đà Nẵng: Sau vỡ đập, dân kêu trời vì cứ mưa là ngập- Ảnh 2.

Cống khẩu độ nhỏ không đủ khả năng thoát nước, gây ngập khu dân cư tại thôn Thạch Nham Đông trong mùa mưa.

"Trước đây lấy ý kiến của dân, hiện nay hồ Hố Dư không còn phục vụ sản xuất lúa nữa, tích nước cũng không để làm gì nên không trữ nước nữa, sẽ rất nguy hiểm", ông Tường cho biết.

Để thoát nước qua đường Trường Sơn (khu vực gần trường Quân sự Quân khu V), Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã báo cáo đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang tiếp tục triển khai phương án khơi thông dòng chảy từ hồ Hố Dư đến các tuyến cống qua đường Trường Sơn và thoát ra sông Cẩm Lệ.

Về giải pháp lâu dài, để bảo đảm thoát nước, an toàn cho người dân, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương cho triển khai các giải pháp thoát nước tại 3 vị trí: Bên cạnh cửa hàng xăng dầu Mười Phước trên đường Trường Sơn; gần Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn, đoạn giáp với đường dẫn lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bên cạnh xưởng cơ khí Tín Trung trên đường Trường Sơn.

UBND TP Đà Nẵng đã có chỉ đạo liên quan hạ lưu đập Hố Dư, tuyến thoát nước đoạn từ cuối tổ 2 và tổ 3 thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn đấu nối với cống ngang quốc lộ 14B. Theo đó, thống nhất không đắp lại đập Hố Dư để bảo đảm an toàn cho nhân dân khu vực trong mùa mưa lũ.

Đồng thời, giao huyện Hòa Vang tổ chức, chỉ đạo xã Hòa Nhơn nạo vét, khơi thông dòng chảy, đắp bờ, cải tạo các tuyến mương. Sau khi quy hoạch chuyên ngành cao độ nền, thoát nước, quy hoạch phân khu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sẽ xem xét đầu tư mạng lưới thoát nước toàn khu vực...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.