Tôi hai lần leo núi cùng các nhà địa chất trong đoàn chuyên gia khảo sát giá trị cao nguyên đá Đồng Văn.
Năm 2016, tôi đi theo đoàn của TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó viện trưởng Viện Địa chất và nhóm các nhà khoa học thực hiện một dự án nghiên cứu di sản địa chất tại đây, họ cũng nghiên cứu cả tiềm năng phát triển du lịch.
Với di sản ở đèo Mã Pì Lèng, nhóm nghiên cứu gọi vách đá dựng đứng nhìn xuống dòng Nho Quế là Tượng đài địa chất, một kì quan địa chất hiếm có không chỉ với VN mà cả thế giới. Di sản ở Mã Pì Lèng không chỉ có ý nghĩa là “điểm dừng chân du lịch” mà có giá trị khoa học. Theo TSKH Vũ Cao Minh, những điểm di sản như thế này là bảo tàng thiên nhiên - bộ giáo trình sống động cho các bộ môn Khoa học trái đất, Địa kỹ thuật, Địa chất…
Nhưng cao nguyên đá không chỉ có Mã Pì Lèng - điểm di sản đang là tâm điểm truyền thông với việc xây dựng khách sạn như “cái gai” gây ức chế. Cũng không phải chỉ có hoa tam giác mạch mỗi năm kéo hàng cả ngàn khách du lịch đổ đến chụp hình kỉ niệm. Mảnh đất này còn những “kim tự tháp” của thiên nhiên ở Tà Phìn, bãi Hải Cẩu ở Vân Chải, những cánh đồng hoa đá, biển cạn ở Khâu Vai, những bức điêu khắc lừng lững giữa trời trên hành trình biến đổi của trái đất.
Lần thực hiện dự án đó, nhóm nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch như xây dựng các bảo tàng ngoài trời, có hệ thống bảng biểu chỉ dẫn, giới thiệu về di sản, thiết lập những tour du lịch đảm bảo an toàn, tránh khai thác bừa bãi, trong đó có những điểm mới được các nhà khoa học đặt tên như Biển cạn, Rừng đá, Vườn hoa đá…
Họ cũng mong muốn phát triển du lịch từ ngay người dân bản địa. Với hệ thống homestay được quy hoạch và các đợt tập huấn bài bản cho dân, không chỉ du lịch phát triển an toàn mà dân cũng thoát nghèo.
Nhưng 3 năm sau, những đề xuất của các nhà khoa học chưa đi vào cuộc sống. Những giá trị tiềm ẩn của cao nguyên chưa được phát huy thì hiện tượng phá vỡ cảnh quan lại nhức nhối hơn. Khách sạn xây trái phép ở Mã Pì Lèng là một điển hình.
Người nói cần phá bỏ khách sạn này, người bảo phải giữ lại vì khách du lịch cũng cần chỗ nghỉ chân, người dân cần phát triển kinh tế. Tranh cãi ồn ào nhưng thực chất cả hai luồng ý kiến đều có phần đúng. Chỉ có một cái sai, một điều làm chưa tới đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, quản lý di sản. Họ phải là nơi định hướng cho người dân làm du lịch đúng, thể hiện bằng cơ sở pháp lý, cảnh báo, hướng dẫn và cả tập huấn cho người dân nói chung và người kinh doanh du lịch nói riêng.
Những tham vấn của giới khoa học không thiếu, càng không thiếu những người tâm huyết sẵn sàng lăn lộn với vùng di sản để có những đề xuất giải pháp hữu ích. Nhưng từ tham vấn khoa học đến thực tiễn có thể là con đường rất dài và rất nhiều lý do để ách tắc.
Câu chuyện khách sạn trên đèo làm tôi nhớ đến dự án làm hồ treo giữ nước trên núi cho bà con. Dự án hồ treo đầu tiên do các nhà khoa học thí điểm thành công và chuyển giao công nghệ cho tỉnh Hà Giang. Cả trăm hồ treo được xây dựng sau đó. Nhưng vì những lý do khác nhau, có hồ treo đặt không đúng vị trí nên không có nước. Có hồ bị ô nhiễm, mất vệ sinh… Thực tiễn cho thấy, nếu dự án không được triển khai, quản lý tốt, nếu để những lý do khác chen vào thì kết quả sẽ chệch đi quá xa so với mong đợi.
Trong lần theo chân các nhà địa chất trở lại Hà Giang vài năm trước, chúng tôi bắt gặp một vài hồ treo trơ đáy. Nó như những con mắt khô muốn khóc mà không khóc được. Cảm giác đó cũng phần nào giống như khi nhìn hình ảnh nhà hàng trên đỉnh Mã Pì Lèng. Trách nhiệm thuộc về ai là vấn đề phải bàn, nhưng trước hết, nó khiến những người từng gắn bó và ít nhiều hiểu về cao nguyên này lo âu hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận