Kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ngập
Ngày 8/11, Cục Quản lý đường bộ III cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tổ chức kiểm tra hiện trường hệ thống thoát nước trên QL27, đoạn Km 9+400 - Km 11+100 (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Cục đã phối hợp với Sở GTVT Đắk Lắk và UBND huyện Cư Kuin kiểm tra thực tế hiện trường.
Cứ xuất hiện mưa, QL27 đoạn qua chợ Trung Hòa (huyện Cư Kuin) lại biến thành sông gây mất ATGT. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo Cục Quản lý đường bộ III, nguyên nhân gây ngập úng do địa hình đoạn tuyến nằm tại vị trí tụ thủy. Ngoài ra, do tuyến bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư tập trung đông, khu vực đất hai bên đường hầu hết đã bê tông hóa, nên hệ thống thoát nước (bao gồm rãnh dọc và cửa xả) trước đây xây dựng với mục đích chủ yếu là thoát nước mặt đường nay đảm nhiệm thêm thoát nước lưu vực 2 bên tuyến nên trở nên quá tải.
Vì vậy, mỗi khi có các trận mưa vừa, lớn thì đoạn tuyến này thường xuyên bị ngập sâu từ (0,4 - 0,6m, có đợt ngập sâu đến 0,9m, thời gian ngập từ 1h đến 4h sau mưa. Từ năm 2019 đến nay, tình trạng ngập sâu xảy ra thường xuyên hơn, làm ảnh hưởng đến an sinh của người dân, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất ATGT, ô nhiễm môi trường.
>>> Video: Quốc lộ 27 ở Đắk Lắk biến thành sông sau cơn mưa.
Theo ông Trần Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III, để khắc phục tình trạng ngập sâu trên đoạn tuyến Km 7+400 - Km 11+100, trong đó có đoạn Km 9+400 - Km 11+100, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) có ý kiến với địa phương cần phải bổ sung hệ thống thu nước khu vực, dẫn ra các cửa xả (hiện có hoặc bổ sung thêm) để tránh việc nước tập trung của toàn bộ khu vực ra hệ thống rãnh dọc hiện có ở hai bên đường.
Đồng thời, cải tạo hệ thống cửa xả theo hướng tăng kích thước thoát nước để phù hợp với việc thu, dẫn nước của toàn bộ khu vực dân cư nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước nhanh là cần thiết và cấp bách (toàn bộ hệ thống cửa xả dẫn nước đều được kéo dài vượt rất xa đất của đường bộ).
Ngoài ra, khi cải tạo cửa xả, cần quan tâm cao độ đáy của cửa xả thích hợp để đảm bảo độ dốc thoát nước, giảm thiểu đọng bùn đất trong rãnh; đồng thời có thể bổ trí bổ sung cống ngang đường tại các vị trí cửa xả nhằm phân chia (điều hòa) lượng nước hai bên đường.
Giải pháp “cứu” QL27
Sở GTVT triển khai các giải pháp "cứu" Quốc lộ 27. Ảnh: Ngọc Hùng
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về kiểm tra tình hình ngập úng tại các vị trí dọc QL27 đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin sau khi có phản ánh. Sở GTVT đã phối hợp với UBND huyện Cư Kuin tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và thống nhất giải pháp xử lý tháo dỡ tấm đan, đào, vét thông thoáng rãnh và xây cao tường cống tại Km 11+100. Đối với các vị trí thường xuyên ngập nước (Km 9+00 - Km 9+400), triển khai thực hiện cắm biển báo “đường trơn trượt + đi chậm”.
Đồng thời, Sở GTVT giao lực lượng TTGT tăng cường công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ; quản lý trật tự vận tải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin nói riêng.
Theo ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk trong những năm gần đây, sau mỗi trận mưa đoạn Km 10+500 - Km 11+300 thuộc Quốc lộ 27 liên tục bị ngập nước, toàn bộ phần mặt đường ngập sâu trong nước khoảng 0,4 - 0,5m, thời gian ngập kéo dài hàng giờ đồng hồ gây mất ATGT, làm suy giảm chất lượng mặt đường đoạn tuyến, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Nước ngập không lối thoát, mỗi khi phương tiện đi ngang nước bắn tung tóe. Ảnh: Ngọc Hùng
Nguyên nhân gây ngập úng đoạn tuyến nêu trên là do đặc thù của địa hình khu vực, quá trình bê tông hoá khu dân cư và hệ thống đường dân sinh trong khu vực diễn ra rất nhanh. Với diện tích khu vực khoảng 240 ha, mỗi khi có các trận mưa vừa, mưa to một lượng lớn nước mưa trong khu vực đổ ra QL27, chảy theo hệ thống rãnh dọc hai bên tuyến từ Km 7+400 đổ dồn về đoạn Km 10+500 - Km 11+300 và về hai cửa xả tại Km 10+915 (phải tuyến) và Km 11+100 (trái tuyến), vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống rãnh dọc hai bên của đoạn tuyến và khả năng thoát nước của hai cửa xả nên gây ngập.
“Để khắc phục tình trạng ngập nước trên, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk kính đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, cho chủ trương sửa chữa cấp bách hệ thống thoát nước QL27 đoạn Km 9+400 - Km 11+100, xây dựng cống thoát nước ngang đường tại Km 9+400, nhằm chia một phần nước từ rãnh dọc bên trái tuyến sang rãnh dọc bên phải tuyến.
Người dân hai bên đường chống nước tràn vào nhà đã đổ đất, tạo đê khiến nước không có lối thoát. Ảnh: Ngọc Hùng
Ngoài ra, để khắc phục triệt để tình trạng ngập nước, Sở GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho chủ trương sửa chữa hệ thống rãnh dẫn thuộc hai cửa xả tại Km 10+915 (phải tuyến) và Km 11+100 (trái tuyến) với chiều dài khoảng 1.500m, bố trí các hố thu hố thăm đổ tại chỗ; sửa chữa các đoạn rãnh dọc đã hư hỏng đoạn Km 10+500 - Km 11+100, bằng rãnh bê tông cốt thép lắp ghép, tại các vị trí qua nhà dân bố trí các tấm đan đậy”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh, sau mỗi cơn mưa, QL27 qua huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) bị ngập sâu, có lúc lên tới cả mét, nước tràn vào nhà dân ven đường khiến các hộ dân phải đắp đê ngăn rồi... bắc thang trèo vào nhà.
Mỗi khi xuất hiện mưa, nhà cửa các hộ dân sinh sống hai bên đường chìm trong nước, hàng loạt xe máy đi qua bị chết máy, đẩy bộ bì bõm. Những xe ô tô con gầm thấp xếp hàng đứng đợi nước rút, không dám đi qua. Những chiếc xe tải, xe ben nước ngập hơn nửa bánh xe chạy qua đẩy nước táp mạnh vào nhà dân gây mất ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận