Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sau gần một tháng triển khai đấu giá biển số ô tô, những người trúng đấu giá đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 100 tỷ đồng.
"Hơn 100 tỷ đồng là số đã nộp tiền, còn nhiều người trúng đấu giá biển số chưa nộp tiền. Bước đầu chúng ta thấy có hiệu quả từ việc này. Chúng ta nên luật hóa việc đấu giá biển số và nhiều tài sản khác để tạo nguồn thu ngân sách công khai, minh bạch", ông Long cho hay.
Trong các phiên đấu giá biển số xe ô tô vừa qua có nhiều biển số siêu đẹp được đấu giá với số tiền "khủng", sau đó được chủ nhân gắn luôn vào những chiếc xe đắt tiền.
Cụ thể, biển số đẹp 99A-666.66 (đầu biển Bắc Ninh) được chốt giá đấu trúng lên đến 4,27 tỷ đồng trong phiên đấu ngày 15/9. Chỉ 5 ngày sau khi trúng đấu giá biển số "siêu đẹp" này, anh Nguyễn Thạc Đức (45 tuổi, ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) đã thanh toán đầy đủ tiền và làm đăng ký gắn lên xe.
Sau khi nhận biển số, anh Đức làm thủ tục đăng ký gắn cho chiếc Mercedes GLS 400 để đi lại. Đây là xe cũ đời 2018 và đã được anh làm thủ tục thu hồi biển số từ trước đó.
Còn biển số 19A-555.55 (đầu số tỉnh Phú Thọ) thuộc về anh Thành (29 tuổi, Phú Thọ) trúng đấu giá với giá 2,69 tỷ đồng ở phiên đấu đầu tiên ngày 15/9. Ngay sau đó, anh Thành đã hoàn thành xong các thủ tục tài chính. Hiện biển 19A-555.55 đã được đăng ký cho xe sang BMW 735i đời mới 2023.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Nghị quyết này quy định thí điểm đấu giá biển số xe ô tô với giá khởi điểm là 40 triệu đồng. Hình thức đấu giá được xác định là đấu giá trực tuyến. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá và bước giá là 5 triệu đồng.
Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận