Một phiến quân khủng bố IS từng hoành hành tại Syria |
Quân đội Iraq, Syria và hai nước dẫn đầu các chiến dịch không kích chống Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là Nga, Mỹ đều đã tuyên bố tiêu diệt hoàn toàn tổ chức khủng bố này. Nhưng, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng tổ chức cực đoan khét tiếng này có thể bùng nổ trở lại hoặc lây lan sang các khu vực khác.
IS đã bị đẩy lui khỏi Iraq và Syria
Sự sụp đổ của Tổ chức IS vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố trong lễ ký sắc lệnh quốc phòng ở Nhà Trắng. Ông Trump khẳng định: “Chúng tôi đã chiến thắng tại Syria, chiến thắng tại Iraq. Chúng vẫn đang lan tới các khu vực khác. Nhưng chúng lan đến đâu, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ kiểm soát tới đó”.
Trước Tổng thống Trump, người đồng cấp tại Nga Vladimir Putin cũng bất ngờ chấm dứt hoạt động không kích tại Syria từ đầu tuần và tuyên bố “chiến thắng” sau 2 năm thực hiện chiến dịch tại đây. Trước đó nữa, chính quyền Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố “đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến chống IS”. Các lực lượng vũ trang Iraq khẳng định đã hoàn toàn giải phóng nước này khỏi IS. Quân đội Iraq hiện đã hoàn toàn kiểm soát toàn bộ biên giới Iraq-Syria.
Nếu như đến đầu tháng này Iraq mới tuyên bố chiến thắng thì Syria đã khẳng định đẩy lùi tổ chức khủng bố này từ 1 tháng trước đó. Ngày 9/11, quân đội Syria tuyên bố giành lại Albu Kamal - thị trấn cuối cùng mà lực lượng khủng bố IS chiếm giữ tại đây, đánh dấu sự sụp đổ của nhóm này sau cuộc chiến kéo dài 3 năm.
Phiến quân IS xâm chiếm một dải đất xuyên biên giới từ Syria sang Iraq, trong đó Iraq bị mất 1/3 lãnh thổ (bao gồm Mosul - thành phố lớn thứ 2 nước này) từ mùa hè năm 2014.
Mầm mống IS có thể lan sang Afghanistan, Pakistan
Nhận định về số phận IS và nguy cơ phong trào khủng bố cực đoan này có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu như Observer Research Foundation cho rằng, cả Syria và Iraq đều nên cẩn trọng. Dù thực tế cho thấy, IS đã mất kiểm soát gần như tất cả các thành trì nếu xét về địa lý nhưng những phiến quân thuộc tổ chức này vẫn tồn tại và len lỏi phân tán khắp mọi nơi.
Từ Iran, Bộ trưởng Bộ Tình báo Iran Mahmoud Alavi cho biết, dù IS bị đẩy lui khỏi thực địa nhưng tổ chức này vẫn sở hữu những kho vũ khí đáng kể. Đồng nghĩa, mối đe dọa với khu vực và trên toàn thế giới vẫn thường trực. “IS đã mất đất nhưng chưa giao nộp vũ khí và đang hướng tới những vùng đất tại Afghanistan, Pakistan, Trung Á để khơi lại tư tưởng Nhà nước Hồi giáo tự xưng”, ông Alavi nói.
Chỉ 1 ngày trước, trên một số tờ báo địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Dawlat Waziri tuyên bố rằng, ông sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Iran nhằm đàn áp sự nổi dậy tại đất nước bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, động thái này có thể làm phức tạp tình hình trên thực địa khi khoảng 14.000 lính Mỹ hỗ trợ các lực lượng an ninh tại Afghanistan.
Sự hiện diện của IS tại Afghanistan khá khiêm tốn nhưng các phần tử của tổ chức vẫn đủ sức để giết hại lính Mỹ, từng bước thực hiện các vụ tấn công chết người nhằm vào dân thường, thậm chí là các đối thủ Taliban tại một số khu vực nhất định.
Hay tại Pakistan, phiến quân trung thành với IS cũng thực hiện không ít vụ tấn công tại đây. Nơi đây cũng có một số nhóm phiến quân Hồi giáo theo nhánh Sunni hoạt động. Tổ chức Jundallah, một nhánh của IS tuyên bố chịu trách nhiệm vụ xả súng hàng loạt nhằm vào xe buýt tại Karachi hồi tháng 5/2015.
Trước tình hình nước láng giềng Pakistan đứng trước nguy cơ rủi ro cao bị IS tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami trao đổi với Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa cho biết, Iran coi an ninh của Pakistan chính là an ninh của mình và thúc đẩy các khu vực giữa Tehran và Islamabad hợp tác để tăng cường khả năng quốc phòng cả hai quốc gia.
Trong một phản ứng chúc mừng Iraq tuyên bố đánh bại IS, Thủ tướng Anh Theresa May không quên cảnh báo dù Iraq và Syria tuyên bố chiến thắng nhưng IS vẫn chưa thừa nhận thất bại. “IS đang suy yếu nhưng tổ chức này vẫn là mối đe dọa với Iraq, bao gồm cả khu vực biên giới Syria. Ngoài ra, các tay súng IS còn là công dân của nhiều nước khác nhau, nếu chúng trở về quê hương (trong đó có Anh) thì các quốc gia sẽ phải vô cùng cảnh giác”, Thủ tướng Anh nói.
Một số chuyên gia khác nhận định, 3 năm trước mầm mống tư tưởng Hồi giáo cực đoan có thể nảy nở và hoành hành tại Syria và Iraq là vì bất ổn chính trị - xã hội tại các nước này. Và nay, dù tổ chức khủng bố này bị đẩy lui nhưng nếu Damascus và Tehran không thể kiểm soát tình hình đất nước, khả năng tư tưởng khủng bố lại một lần nữa nảy nở là hoàn toàn có thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận