Báo cáo công bố ngày 30/11 của kỹ sư người Anh Richard Godfrey chia sẻ, nhờ áp dụng công nghệ mới, ông đã xác định được xác chiếc máy bay MH370 hiện nằm ở độ sâu 4.000m so với mặt nước biển, cách thành phố Perth (Australia) khoảng 1.993km về phía tây.
Ông Godfrey sử dụng công nghệ mới dựa trên hệ thống truyền sóng tín hiệu yếu, vốn được dùng để truyền tín hiệu radio kỹ thuật số. Khi máy bay bay qua và va chạm vào đường truyền những dải tần số này, tín hiệu sẽ bị ngắt quãng.
Bên cạnh đó, máy bay MH370 cũng được lắp hệ thống liên lạc vệ tinh, sử dụng các vệ tinh Inmarsat của Anh để theo dõi vị trí của chiếc máy bay hàng giờ.
Do đó, nếu kết hợp hai công nghệ này thì có thể sử dụng để theo dõi và xác định vị trí MH370 trong lộ trình bay, ông Godfrey nói.
Hình ảnh mô phỏng máy bay MH370 rơi xuống biển. Ảnh - Nat Geo
Cụ thể, vị chuyên gia dựa trên tín hiệu vệ tinh để xác định được khu vực cuối cùng máy bay xuất hiện, từ đó sử dụng dữ liệu từ hệ thống truyền sóng tín hiệu yếu để lọc và xác minh thông tin.
Cuối cùng ông Godfrey xác định chiếc máy bay hiện ở đáy cao nguyên ngầm Broken Ridge, một cao nguyên đại dương ở đông nam Ấn Độ Dương, ở tọa độ 33.177°S 95.300°E.
Tọa độ này không tương đồng so với vị trí tìm kiếm mà Cục An toàn Giao thông Australia đưa ra năm 2015. Nhưng nó nằm trong phần tìm kiếm mở rộng vào năm 2016, trên phạm vi 120.000km2. Sau đó, trong cuộc tìm kiếm năm 2018, công ty chế tạo robot hàng hải Ocean Infinity đã rà soát ở vị trí chỉ cách địa điểm mà ông Godfrey đưa ra khoảng 28km.
Máy bay MH370 chở 239 người mất tích ngày 8/3/2014 sau khi khởi hành từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Vụ việc đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới. Dù thế giới đã thực hiện rất nhiều nỗ lực tìm kiếm quốc tế với chi phí 200 triệu USD xung quanh khu vực rộng 120.000km2 tại Ấn Độ Dương nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận