Bị cáo Huyền Như tại tòa |
HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn với việc xem xét các đơn kháng cáo của ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) và ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Đại diện của Navibank cho biết, họ vẫn giữ nguyên đơn kháng cáo yêu cầu ngân hàng Công thương (Vietinbank) phải hoàn trả số tiền gốc là 200 tỷ đồng cùng với lãi phát sinh.
Theo đó, từ 19/11/2010 đến ngày 27/5/2011, thông qua Đoàn Đăng Luật (Trưởng phòng nguồn vốn Navibank), Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) đã huy động của Navibank thông qua 14 cá nhân là nhân viên ngân hàng này đứng tên để gửi hơn 1.500 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất vượt trần. Đến ngày 14/7/2011, Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã quyết toán cho Navibank tiền gốc là hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại 500 tỷ đồng và chưa đến hạn quyết toán.
Lúc này, Võ Anh Tuấn nói với Đoàn Đăng Luật gặp Huyền Như để chuyển số tiền này gửi vào Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Do muốn có tiền để trả nợ nên Như đã đồng ý thỏa thuận với Luật nhận tiền gửi của Navibank với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm.
Để Navibank tin tưởng chuyển tiền, Như đã đề xuất lãnh đạo Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Navibank để nhận gửi 500 tỷ đồng, lãi suất 14/%/năm, thời hạn 4 tháng, không báo cáo với lãnh đạo về phần chênh lệch ngoài hợp đồng phải trả cho Luật.
Đến ngày 7/9/2011, Như đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ đồng, còn lại 6 hợp đồng tương đương 200 tỷ đồng đứng tên 4 các cá nhân khác. Do các cá nhân này không giữ thẻ tiết kiệm mà để Như giữ nên Như đã tự trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của các cá nhân này mở tại Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đi trả nợ cho các cá nhân, tổ chức mà Như đã vay trước đó. Với thủ đoạn này, Như đã lừa đảo chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng.
Ngoài đại diện của Navibank còn có vị đại diện của 4 nhân viên ký 6 hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank. Vị đại diện này cũng kháng cáo yêu cầu Vietinbank đứng ra trả số tiền 200 tỷ đồng bị chiếm đoạt cộng với lãi phát sinh cho Navibank vì quyền lợi của 4 nhân viên cũng là quyền lợi của ngân hàng Navibank.
Từ đó, HĐXX “vặn” lại: “Số tiền 200 tỷ đồng là tài sản hợp đồng của họ, vậy tại sao lại yêu cầu Vietinbank trả lại cho Navibank? Tiền của cá nhân mà lại yêu cầu trả lại cho ngân hàng? Phải chăng có gì đó mà anh không tiện nói ra ?” Vị đại diện im lặng.
Huyền Như gặp mẹ sau giờ xử buổi sáng |
Đối với ngân TMCP Á Châu (ACB). Đại diện ngân hàng này cũng khẳng định giữ nguyên kháng cáo yêu cầu Vietinbank phải trả cho ACB số tiền gửi gốc gần 719 tỷ đồng và tiền lãi đến ngày 8/1/2014 là hơn 194 tỷ đồng.
Theo đó, Huyền Như thừa nhận, thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc (phó phòng quản lý quỹ ACB), Như huy động của ACB hơn 668 tỷ đồng đứng tên 17 nhân viên của ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, thông qua Huỳnh Thị Ngọc Ánh (phó phòng kế toán ACB) lấy danh nghĩa huy động tiền cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Như làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) để huy động của ACB 50 tỷ đồng đứng tên 2 nhân viên gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.
Để chiếm đoạt tiền của ACB, Như đã làm giả các lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản. Với các thủ đoạn đó, Như đã chiếm đoạt của ACB do 19 nhân viên đứng tên gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh tổng số tiền gần 719 tỷ đồng.
Cũng giống như với Navibank, ACB cũng cho nhân viên ký gửi hợp đồng nhưng lại đứng ra kiện yêu cầu trả tiền cho ACB.
Với vấn đề này, HĐXX đã đặt ra câu hỏi với đại diện ngân hàng ACB: “Tại sao ACB không trực tiếp gửi mà lại giao cho 19 nhân viên?”.
Trả lời câu hỏi này, đại diện ACB cho rằng: trong bối cảnh lúc đó, ACB gửi trực tiếp nhưng lại không được thanh toán đúng thời hạn.
Linh Hoàng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận