Lý giải của các chuyên gia, việc thị trường bất động sản đang đón được nhiều "đại bàng" do thị trường khu vực phía Nam rất tiềm năng, nhất là khi nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang và sắp được đầu tư.
Nhiều ông lớn săn mua dự án
Dự án nhà ở The One World tại TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc. Khu đất rộng gần 50ha do Tập đoàn bất động sản Kim Oanh sở hữu nằm ngay mặt tiền Vành đai 3 TP.HCM. Hai mặt còn lại của khu đất tọa lạc trên tuyến huyết mạch quốc lộ 13 và đường Nguyễn Thị Minh Khai, cũng là tuyến đường trung tâm thành phố.
Hiện 3 tập đoàn Nhật Bản đã cam kết rót 49% vốn vào dự án có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD gồm: Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và NTT Urban Development.
Sumitomo Forestry thành lập từ năm 1691 tại Nhật Bản. Tập đoàn này phát triển đa ngành không chỉ tại Nhật Bản mà còn đầu tư tại Indonesia, New Zealand, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Trung Quốc qua nhiều công ty thành viên.
Trong khi đó, Kumagai Gumi là tập đoàn xây dựng hạ tầng thành lập từ năm 1898 và lấn sân bất động sản, có nhiều công trình lớn ở Nhật Bản, Ấn Độ, Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc).
Còn NTT Urban Development chuyên khai thác các dự án tòa nhà văn phòng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, khu dân cư tại Nhật Bản, Anh, Mỹ…
Trong khi đó, Tập đoàn Capital Land (Singapore) cũng thông qua công ty con là Sycamore Limited mua lại dự án khu đô thị và nhà ở Tân Thành Bình Dương của Becamex IDC với giá trị 553 triệu USD. Dự án tọa lạc trên Đại lộ Hùng Vương, thành phố mới Bình Dương.
Capital Land là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất châu Á hiện nay. Tập đoàn này hoạt động trong các lĩnh vực chính như bất động sản, căn hộ dịch vụ, dịch vụ tài chính bất động sản, tập trung phát triển tại các thành phố lớn khu vực châu Á Thái Bình Dương và châu Âu.
Tại Việt Nam, Capital Land hiện có mặt tại 7 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang (Khánh Hòa).
Hạ tầng chắp cánh nhà đầu tư
Những ngày cuối tháng 10, nhà thầu đang huy động thiết bị máy móc hối hả thi công nhà máy Electronic Tripod rộng gần 18ha tại khu công nghiệp Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khu đất này được tập đoàn Tripod (Đài Loan, Trung Quốc) thuê lại với giá 250 triệu USD của Sonadezi Châu Đức.
Tripod đã nhận thấy giá trị lớn từ vị trí của khu đất do cách cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 1km, cách cảng Cái Mép chỉ 20km. Điều này giúp tối ưu chi phí vận chuyển trong khi giá thuê đất rất cạnh tranh so với mặt bằng giá thị trường.
Theo đánh giá của Chứng khoán Vietcap, giai đoạn hạ tầng kết nối bùng nổ như hiện nay không chỉ hút nhà đầu tư bất động sản dân dụng, bất động sản nghỉ dưỡng mà còn chắp cánh cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.
Đơn cử, Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư khu công nghiệp Châu Đức dự báo nhu cầu thuê đất tăng trong giai đoạn 2024 – 2026 tăng trưởng tăng 21% so với mức trung bình của giai đoạn 2021 - 2023.
Nhu cầu thuê đất tăng lên cũng sẽ thúc đẩy giá cho thuê bình quân tăng thêm 10%. Chứng khoán Vietcap đánh giá, giá chào thuê tại khu công nghiệp Châu Đức đã tăng 15 – 20 USD/m2 so với năm 2023. Đà tăng này giúp doanh thu 2024 của Sonadezi Châu Đức có thể đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2023, lãi ròng ước tăng đến 38%.
Hạ tầng giao thông là động lực
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhận định, ba yếu tố tạo động lực quyết định tăng trưởng của bất động sản là quy hoạch, chính sách ưu tiên đầu tư và hạ tầng giao thông.
Trong đó, hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá bởi những cam kết và hành động quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành cùng các địa phương đã thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam ví von, cơ sở hạ tầng là "bảo chứng" phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh cho thị trường bất động sản. Ngay cả khi toàn thị trường lâm vào trạng thái khó khăn kéo dài thì các địa phương, khu vực chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng vẫn được ghi nhận là những điểm sáng.
Không khó để lý giải các cuộc sáp nhập, mua bán quyết liệt mà các tập đoàn nước ngoài đã thực hiện. Đơn cử, Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5ha từ tập đoàn Nam Long.
Dự án này tiếp giáp TP Thủ Đức (TP.HCM), dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Chỉ khoảng 2 năm sau, dự án sẽ hưởng lợi từ việc kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành và sân bay Long Thành. Khi cầu Cát Lái và đường Vành đai 3 đưa vào sử dụng, việc di chuyển đến trung tâm TP.HCM chỉ trong vòng 20 - 25 phút. Ngoài ra, lộ trình từ vị trí dự án đến các thành phố du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết rất thuận lợi.
Bên cạnh hạ tầng giao thông truyền thống đơn thuần như cầu, đường, cao tốc, các nhà đầu tư nước ngoài cũng ưu tiên tính chất đột phá như tàu điện ngầm. Chính yếu tố này đã kết nối Tập đoàn Kim Oanh với nhóm nhà đầu tư Nhật Bản khi dự án The One World nằm cạnh nhà ga số 10 (Bình Thái) của của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Giới đầu tư bất động sản nhận định, thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu ấm dần lên sau khi bảng giá đất mới tại TP.HCM chính thức công bố. Thị trường nhà đất đã nhận được động lực tăng trưởng từ hạ tầng giao thông, nay có thêm các chỉ báo về giá.
Điều này giúp nhà đầu tư lớn củng cố chủ trương mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp có quỹ đất nhưng tài chính bị hạn chế vì phải chống chọi với khủng hoảng suốt thời gian dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận