Xã hội

Đại biểu băn khoăn quy định lập bảng giá đất hàng năm

09/06/2023, 13:27

Đại biểu Quốc hội lo ngại việc lập kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất hàng năm sẽ mất nhiều thời gian, có thể gây ra tình trạng đối phó.

Lập kế hoạch hàng năm khó cập nhật kịp nhu cầu sử dụng đất

Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) bày tỏ băn khoăn về quy định lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện bởi rất khó cập nhật kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn (bao gồm cả đất đầu tư công và đất của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước). Điều này gây áp lực lớn cho các địa phương.

img

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định)

"Qua tiếp xúc cử tri, tôi thấy rất nhiều địa phương than vì phải tốn quá nhiều thời gian cho việc loay hoay lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thường thì cứ tháng 6 họ đã phải tiến hành rà soát để lập kế hoạch dù không thay đổi nhiều", bà Hạnh nói và đề xuất nên quy định lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm/lần.

Sáng 9/6, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo đề xuất tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Quảng (đoàn Đà Nẵng) cho biết, việc lập kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất hàng năm cần tính toán lại bởi mất nhiều thời gian, có thể gây ra tình trạng đối phó chứ không làm thực chất.

Từ đó, ông Quảng đề xuất nên quy định lập kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất từ 3 - 5 năm, đồng thời, giao cho địa phương hàng năm nếu cần điều chỉnh thì điều chỉnh chứ không bắt buộc.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, xây dựng bảng giá đất hàng năm với Hà Nội, TP.HCM điều này khá khó và phức tạp, nên có hệ số K điều chỉnh.

Bồi thường đất vẫn là nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu nại

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) cho biết, mặc dù quy định về giá đất tính tiền bồi thường đã có những thay đổi tích cực, nhưng đây vẫn là nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Thời gian qua tỷ lệ khiếu nại về thu hồi đất giảm nhưng lại tăng khiếu nại về giá đất tính tiền bồi thường bởi giá đất tính tiền bồi thường thấp hơn so với thực tế.

img

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng)

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa quy định cụ thể về thời điểm tính tiền bồi thường.

Đại biểu cho biết, việc thẩm định giá đất tiến hành ở những thời điểm khác nhau sẽ có kết quả khác nhau. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục thu hồi đất được quy định tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai hiện nay cũng không quy định rõ việc khảo sát, thu thập thông tin giá đất là cơ sở xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến tính chính xác và mức độ phù hợp thị trường của giá đất được quyết định cuối cùng.

Ngoài ra, quy định cơ quan tài nguyên và môi trường thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xác định giá đất cụ thể tại dự thảo còn có thể khiến các cơ quan quản lý đất đai có quyền không thuê và tự mình tiến hành thẩm định giá.

Dự thảo cũng chưa thể hiện được tính minh bạch trong cách tính giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất do giá này được quyết định bởi UBND cấp tỉnh, huyện mà không thoả thuận với người có đất thu hồi.

"Như vậy, người dân sẽ không biết được căn cứ tính giá bồi thường của Nhà nước, tạo tâm lý bất đồng về giá đất tính tiền bồi thường, phát sinh khiếu nại, phức tạp”, đại biểu nhấn mạnh và cho rằng việc chưa hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường và thực trạng khai man giá giao dịch trong các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng ảnh hưởng lớn đến giá đất tính tiền bồi thường.

Bởi, khi chưa có cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường hoàn chỉnh thì rất khó để đảm bảo nguyên tắc trong định giá đất là “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” khiến thông tin thu thập không đúng với giá giao dịch thực tế.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu, bổ sung các nội dung quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với công tác này để địa phương căn cứ thực hiện, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho việc ban hành các quy định, công cụ thẩm định, xác định giá đất phù hợp với thị trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.